Khởi động hoạt động chuyên môn của Chương trình “Vì lá phổi khỏe” tại Hội nghị Hội đồng chuyên gia Hô hấp Việt Nam lần thứ 4



“Vì Lá Phổi Khỏe” là chương trình hợp tác giữa VPĐD AstraZeneca Việt Nam với các cơ quan y tế Việt Nam như Cục Quản ...

“Vì Lá Phổi Khỏe” là chương trình hợp tác giữa VPĐD AstraZeneca Việt Nam với các cơ quan y tế Việt Nam như Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (VATLD); Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS); Hội Hen-Dị Ứng-Miễn dịch lâm sàng TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (H&BPTNMT) tại Việt Nam, giúp bệnh nhân được kiểm soát bệnh, góp phần làm giảm số ca mắc, tàn tật và tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế y tế tại Việt Nam. Với mục đích này, chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” đặt mục tiêu phát triển, chuẩn hóa và nâng cấp 150 phòng quản lý H&BPTNMT, chuẩn hóa các quy trình khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi kiểm soát bệnh, tạo ra các bộ dữ liệu và bằng chứng lâm sàng làm căn cứ hỗ trợ cho nhà chuyên môn và quản lý trong việc ra các quyết định liên quan đến chính sách và quy định trong chăm sóc sức khỏe H&BPTNMT.

Tiếp sau buổi họp báo giới thiệu chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Hội nghị VNRS vào tháng 9/2017 tại Đà Nẵng và lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe tại Việt Nam 2017-2020” giữa AstraZeneca Việt Nam với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ y tế thì các hoạt động để triển khai chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tiếp tục được diễn ra trong suốt phiên họp buổi chiều của hội nghị VNRA lần thứ 4 tháng 12/2017 tại Nha Trang với sự tham dự của 70 chuyên gia hô hấp từ khắp cả nước. 

Mở đầu phiên họp, một ví dụ cụ thể về mô hình xây dựng thành công phòng quản lý H&BPTNMT đã được BS. Vũ Thị Bích Thảo, Phó giám đốc BV Phổi Ninh Bình, chia sẻ. BS. Thảo đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong việc “Xây dựng và phát triển phòng quản lý H&BPTNMT tại Ninh Bình”, đồng thời đưa ra hướng giải quyết và cách thức triển khai công tác đào tạo cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị H&BPTNMT, đo chức năng hô hấp; công tác quản lý phòng H&BPTNMT cùng với thăm khám sàng lọc, phát hiện chủ động H&BPTNMT và sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân, các hoạt động truyền thông về H&BPTNMT. Đến nay, Ninh Bình đã xây dựng và duy trì tốt việc quản lý BN tại 2 phòng quản lý H&BPTNMT tại BV Phổi và BV đa khoa tỉnh Ninh Bình với số lượng bệnh nhân H&BPTNMT được phát hiện sớm và quản lý tăng dần theo từng năm. Tiếp sau đó, thông qua bài báo cáo của PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam về “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp – PAL” giúp các thành viên tham dự hiểu rõ về mục tiêu của PAL; khó khăn, thách thức khi triển khai các đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính; kết quả, bài học kinh nghiệm triển khai mạng lưới và xây dựng tiêu chuẩn đơn vị quản lý theo các tuyến. Và PGS. Nhung cũng nhấn mạnh để quản lý tốt các bệnh phổi mạn tính tại Việt Nam thì cần phải kết hợp sức mạnh của Hội chuyên ngành, hệ thống y tế và bảo hiểm y tế.

Sau 2 bài báo cáo, dưới sự chủ trì của GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung và PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM thì các chuyên gia hô hấp đã cùng nhau thảo luận sôi nổi và thống nhất chọn ra các tiêu chuẩn đánh giá phòng quản lý H&BPTNMT, bao gồm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực và năng lực chuyên môn, thuốc điều trị bệnh H&BPTNMT đầy đủ và sẵn có, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, và nghiên cứu khoa học. Bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp phân loại chất lượng các phòng quản lý H&BPTNMT theo các cấp độ, phục vụ cho mục tiêu phát triển, chuẩn hóa và nâng cấp 150 phòng quản lý H&BPTNMT của chương trình.

Hội nghị Hội đồng chuyên gia hô hấp Việt Nam lần thứ 4 (VNRA) cũng đánh dấu 2 năm có mặt của diễn đàn này tại Việt Nam, thể hiện tốt mục đích là một diễn đàn và mạng lưới kết nối chuyên môn dành cho các chuyên gia hô hấp hàng đầu trên cả nước. Nay với định hướng toàn diện từ chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam, VNRA sẽ tiếp tục duy trì mục đích của mình để thực sự trở thành một trong những tổ chức có uy tín chuyên môn của cộng đồng Hô hấp Việt Nam. Sự thành công của Hội nghị VNRA lần thứ 4 đã đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi của chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe”, ghi nhận cam kết đồng hành của AstraZeneca cùng ngành y tế Việt Nam trong công cuộc nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh H&BPTNMT.

Từ viết tắt:
MSA: Medicine Service Administration – Cục quản lý khám, chữa bệnh.
VATLD: Vietnam Association against Tuberculosis and Lung Diseases – Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam
VNRS: Vietnam Respiratory Society – Hội Hô hấp Việt Nam
VNRA: Vietnam Respiratory Academy – Hội đồng chuyên môn hô hấp Việt Nam
PAL: Practical Approach to Lung health – Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp
GINA: Global INitiative for Asthma – Chiến lược toàn cầu về Hen phế quản
GOLD: Global initiative for chronic Obstructive Lung
Disease – Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM