SỬ DỤNG QUÁ MỨC SABA CÓ NGUY HIỂM?



Hỏi: Hen không được kiểm soát gây hậu quả gì? Đáp: Hen không được kiểm soát sẽ khiến người bệnh hen có triệu chứng ho, ...

Hỏi: Hen không được kiểm soát gây hậu quả gì?

Đáp: Hen không được kiểm soát sẽ khiến người bệnh hen có triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực thường xuyên (> 2 lần/tuần), thức giấc ban đêm do hen, không thể làm việc vì khó thở, phải dùng thuốc cắt cơn thường xuyên (> 2 lần/tuần) để làm giảm triệu chứng. Hen không được kiểm soát có thể khiến người bệnh dễ bị lên cơn hen nặng phải đi cấp cứu hoặc nhập viện. Hen không được kiểm soát thường do người bị hen không dùng thuốc ngừa cơn hen đúng cách, chỉ dùng thuốc cắt cơn đơn thuần. Khi đó, thành của đường thở trong phổi sưng phù lên và dễ bị kích thích hoặc co thắt, lòng đường thở có nhiều chất nhầy và bị hẹp lại, không khí đi vào và đi ra phổi một cách khó khăn.

Hỏi: Tôi có triệu chứng, tôi dùng thuốc Salbutamol xịt họng và triệu chứng giảm, như vậy là hen của tôi đã được kiểm soát?

Đáp: Không đúng. Bạn vẫn còn triệu chứng, vẫn phải dùng Salbutamol nghĩa là bạn vẫn có nguy cơ xuất hiện cơn hen trong tương lai, đặc biệt những cơn hen nặng. Salbutamol xịt họng được gọi là thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, đây là thuốc cắt cơn hen hoặc thuốc làm giảm triệu chứng hen. Nếu bạn chỉ dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh để làm giảm triệu chứng, bạn chỉ điều trị “cái ngọn” (giảm co thắt đường thở) chứ chưa điều trị “cái gốc” (không làm giảm viêm đường thở) của bệnh hen. Khi đó, đường thở trong phổi của bạn vẫn còn bị sưng phù và diễn tiến ngày càng nặng, đến một ngày nào đó, cơn hen nặng xuất hiện và Salbutamol không còn tác dụng hoặc tác dụng kém thì sẽ nguy hiểm tính mạng cho bạn.

Hỏi: Làm sao tôi kiểm soát bệnh hen của tôi?

Đáp: Tránh các yếu tố kích phát cơn hen có thể tránh được của bạn. Dùng thuốc ngừa cơn (đa số dạng hít) với tần suất và liều theo hướng dẫn bác sĩ. Khám bệnh định kỳ để bác sĩ kiểm tra xem bạn hít thuốc có đúng cách không và điều chỉnh liều thuốc ngừa cơn của bạn. Dùng thuốc cắt cơn và khám bác sĩ sớm khi cơn hen xuất hiện. Kiểm soát bệnh hen theo phương châm “phòng cháy tốt hơn chữa cháy”: điều trị ngừa cơn hen tốt hơn đợi có cơn hen mới điều trị.

Hỏi: Thuốc cắt cơn hen dạng hít là gì?

Đáp: Là thuốc dùng để làm giảm triệu chứng hen khi chúng xuất hiện. Thuốc cắt cơn hen dạng hít có chứa thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như salbutamol. Thuốc này có tác dụng làm giảm co thắt đường thở nhưng không có tính kháng viêm nên không làm giảm sưng phù đường thở. Do đó, thuốc này làm giảm triệu chứng hen hiện tại nhưng không phòng tránh được triệu chứng hen xuất hiện trong tương lai. Điều này có nghĩa thuốc cắt cơn dạng hít là thuốc “chữa cháy” chứ không phải thuốc “phòng cháy”.

Hỏi: Tác dụng của Salbutamol dạng hít trong điều trị hen?

Đáp: Trong cơn hen, có hiện tượng co thắt cơ bao quanh đường thở (cơ trơn phế quản). Thuốc Salbutamol dạng hít có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, giúp lòng đường thở mở rộng ra từ đó làm cho không khí đi vào và đi ra phổi dễ dàng hơn, gây giảm khó thở. Thuốc Salbutamol dạng hít có tác dụng giảm triệu chứng nhanh trong vòng 3-5 phút sau khi hít, đạt hiệu quả tối đa sau 45 phút và kéo dài 4-6 giờ. Hiệu quả giảm triệu chứng của Salbutamol sẽ giảm dần theo thời gian nếu Salbutamol được dùng thường xuyên mà không kèm theo thuốc ngừa cơn hen.

Hỏi: Bác sĩ luôn dặn tôi phải mang Salbutamol mọi lúc, chứng tỏ Salbutamol đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị hen. Vậy tại sao nó lại có nhiều nguy cơ khi sử dụng?

Đáp: Bác sĩ dặn như thế đồng nghĩa với việc thường xuyên có bình chữa cháy (bình dập lửa) trong nhà hoặc cơ quan của bạn. Trong trường hợp có cơn hen xảy ra, dù nặng hoặc nhẹ, nếu có Salbutamol bên cạnh thì bạn sẽ cắt cơn hen từ khi nó mới bắt đầu xuất hiện (như đám cháy mới bắt đầu nổi lên), từ đó giảm ngay triệu chứng và tránh nguy hiểm tới tính mạng. Vấn đề là làm sao để đám cháy đừng xảy ra bằng các biện pháp phòng ngừa, nghĩa là phải dùng thuốc ngừa cơn và tránh yếu tố kích phát cơn hen để cơn hen đừng xuất hiện. Nếu bạn phải dùng thường xuyên Salbutamol, nghĩa là bệnh hen của bạn chưa được kiểm soát, khi đó nguy cơ xuất hiện cơn hen nặng (tương ứng đám cháy lớn) sẽ tăng lên. Hơn nữa, Salbutamol làm giảm triệu chứng tức thì khiến bạn chủ quan dùng lâu dài mà không dùng kèm với thuốc ngừa cơn, đến lúc cơn hen nặng xuất hiện và Salbutamol không còn tác dụng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của bạn.

Hỏi: Thuốc cắt cơn Salbutamol luôn luôn được dùng để giãn đường thở trước khi hít thuốc corticoid. Đúng/Sai?

Đáp: Sai. Thuốc cắt cơn Salbutamol chỉ dùng để giảm triệu chứng khi có cơn hen, không phải dùng mỗi ngày để điều trị bệnh hen hoặc phòng ngừa cơn hen. Thuốc corticoid hít là thuốc điều trị “cái gốc” của bệnh hen, làm giảm sưng phù ở đường thở, nên được dùng mỗi ngày hoặc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc cắt cơn Salbutamol không cần dùng trước khi hít thuốc ngừa cơn vì phần lớn người bị hen có đủ sức để hít được thuốc corticoid. Nếu người bệnh không hít được dạng bình hít này thì bác sĩ có thể đổi sang dạng bình hít khác hoặc dùng kèm theo buồng đệm để thuốc ngừa cơn được hít vào đường thở trong phổi.

Hỏi: Tôi tránh dùng corticoid hít do tác dụng phụ của nó có thể dẫn tới tình trạng kiểm soát hen tệ hơn?

Đáp: Nếu bệnh hen của bạn cần phải dùng tới corticoid hít để kiểm soát được bệnh mà bạn không dùng corticoid hít thì chắc chắn tình trạng hen của bạn ngày càng nặng lên, do tình trạng sưng phù đường thở vẫn tiếp diễn và bệnh hen của bạn sẽ mất kiểm soát. Nếu bạn hít thuốc đúng cách và hít thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ thì corticoid hít hiếm khi gây tác dụng phụ đáng kể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách giảm tác dụng phụ tại chỗ như súc họng ngay sau hít thuốc, dùng buồng đệm khi hít hoặc đổi dụng cụ hít hoặc đổi loại thuốc hít. Trong trường hợp không thể dùng corticoid hít do tác dụng phụ không chịu đựng được, bác sĩ có thể cho bạn dùng loại thuốc ngừa cơn không chứa corticoid như montelukast.

Hỏi: Nếu tôi dùng Salbutamol > 2 lần một tuần lễ thì tôi phải làm gì?

Đáp: Nếu bạn dùng như thế nghĩa là bệnh hen của bạn chưa được kiểm soát. Bạn phải dùng thêm thuốc ngừa cơn nếu bạn chưa dùng hoặc phải điều chỉnh liều thuốc ngừa cơn nếu bạn đang dùng.1 Bạn nên khám lại bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc ngừa cơn.

Hỏi: Nếu tôi dùng Salbutamol hàng ngày có thể dẫn đến nguy cơ tử vong không?

Đáp: Nếu bạn phải dùng Salbutamol hàng ngày, cụ thể là > 6 nhát một ngày, tương đương > 1 bình hít Salbutamol trong 1 tháng thì khả năng bạn bị tử vong do hen sẽ tăng trong tương lai.2 Nếu bạn dùng thuốc ngừa cơn thì nhu cầu dùng thuốc cắt cơn Salbutamol của bạn sẽ giảm xuống và nguy cơ tử vong cũng giảm đáng kể.

Hỏi: Nếu tôi dùng Salbutamol > 2 hít/ngày có thể dẫn đến cơn hen nặng?

Đáp: So với người không phải dùng thuốc cắt cơn Salbutamol, người phải dùng thêm mỗi 2 nhát cắt cơn Salbutamol trong 1 ngày thì khả năng bị lên cơn hen nặng tăng 25%. Nếu mỗi ngày bạn phải dùng 6 nhát Salbutamol để cắt cơn hen, thì khả năng bạn bị lên cơn hen nặng tăng gấp 2 lần.3

Hỏi: Số lượng ống Salbutamol sử dụng trong 1 tháng, 1 tuần có thể phản ánh tình trạng kiểm soát hen của tôi. Đúng hay sai?

Đáp: Đúng. Bạn dùng càng nhiều ống Salbutamol trong 1 tháng hoặc 1 tuần thì chứng tỏ hen của bạn được kiểm soát càng kém, bạn cần phải gặp bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc phòng ngừa cơn hen hoặc điều chỉnh thuốc phòng ngừa cơn hen.

TS.BS. Nguyễn Văn Thọ

Trưởng Bộ môn Lao và bệnh phổi, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Global Initiative for Asthma (GINA). Global strategy for asthma management and prevention (updated 2019). Available at: http://www.ginasthma.org/. Accessed: 3 Aug 2019.
  2. Suissa S, Ernst P, Boivin JF, et al. A cohort analysis of excess mortality in asthma and the use of inhaled beta-agonists. Am J Respir Crit Care Med. Mar 1994;149(3 Pt 1):604-610.
  3. Patel M, Pilcher J, Reddel HK, et al. Metrics of salbutamol use as predictors of future adverse outcomes in asthma. Clinical and experimental allergy : journal of the British Society for Allergy and Clinical Immunology. Oct 2013;43(10):1144-1151.

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM