Tuân thủ điều trị Hen



Vì sao phải tuân thủ điều trị hen? Hen là bệnh mạn tính đặc trưng bởi hiện tượng viêm dai dẳng đường thở. Thuốc điều ...

  1. Vì sao phải tuân thủ điều trị hen?

Hen là bệnh mạn tính đặc trưng bởi hiện tượng viêm dai dẳng đường thở. Thuốc điều trị hen kinh điển là thuốc corticoid đường hít. Điều đáng tiếc là thuốc corticoid hít chỉ có thể kiểm soát không cho hiện tượng viêm đường thở nặng lên khi còn dùng thuốc, chứ không thể xóa bỏ vĩnh viễn hiện tượng viêm này. Chính vì lẽ đó, tuân thủ điều trị corticoid đường hít lâu dài là bắt buộc trong điều trị hen.

Không tuân thủ điều trị corticoid đường hít sẽ làm hiện tượng viêm đường thở trong hen nặng lên, mất kiểm soát, đường thở sẽ bị sưng nề, tăng tiết đàm nhớt, co thắt cơ trơn đường thở làm đường thở hẹp lại. Khi đường thở hẹp lại bệnh nhân sẽ có triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Trường hợp viêm nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể vào cơn hen cấp, phải đi cấp cứu, phải nhập viện, đôi khi tử vong do hen. Cho đến nay một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cơn hen cấp và tử vong do hen là không tuân thủ điều trị corticoid hít trong hen.

  1. Tuân thủ điều trị hen là gì?

Tuân thủ điều trị trong hen được hiểu đơn giản là việc làm đúng theo hướng dẫn của bác sỹ cả về các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Đối với chế độ điều trị có dùng thuốc, bệnh nhân cần sử dụng đúng thuốc, đúng liều, và đúng cách. Đối với chế độ điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện những điều nên làm, và những điều nên tránh trong sinh hoạt, và làm việc để kiểm soát hen.

Trái với tuân thủ điều trị, không tuân thủ điều trị thể hiện ra rất nhiều hình thức. Đối với chế độ điều trị có dùng thuốc, bệnh nhân có thể dùng sai thuốc, sai liều, hoặc sai cách. Ví dụ của việc sai thuốc là bệnh nhân dùng thuốc cắt cơn thay cho ngừa cơn, dùng thuốc corticoid uống thay cho corticoid hít; ví dụ của việc sai liều là bệnh nhân tự ý giảm liều, tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng đã bớt; ví dụ của việc sai cách là bệnh nhân thao tác sử dụng dụng cụ xịt, hút sai cách làm cho thuốc thay vì đi vào phổi, đã bám lại trong vùng hầu họng, hoặc bay ra ngoài không khí từ đó hiệu quả điều trị không có. Đối với chế độ điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân đã không làm những điều nên làm, và không tránh những điều nên tránh. Ví dụ của việc không làm những điều nên làm là bệnh nhân không mặc đủ ấm khi đi ra ngoài thời tiết lạnh, bệnh nhân không mang khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, ho khạc. Ví dụ của việc không tránh những điều nên tránh là bệnh nhân tiếp tục nuôi thú cưng như chó mèo mà lẽ ra phải tránh khi bản thân dị ứng lông chó, mèo.

  1. Tuân thủ điều trị hen như thế nào?

Tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc:

Tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc là then chốt trong điều trị hen. Bốn bước có thể thực hiện để cải thiện tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc là: hoạch định, thực hiện, kiểm tra, và điều chỉnh.

3.1 Hoạch định:

Bệnh nhân cần lên kế hoạch sử dụng thuốc như thế nào. Bệnh nhân nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sỹ điều trị để hiểu thật rõ ba điểm sau đối với từng loại thuốc bác sỹ kê toa cho mình:

  • Loại thuốc (thuốc ngừa cơn hay cắt cơn, bình hút bột khô hay bình xịt định liều),
  • Liều lượng (bao nhiêu nhát xịt mỗi lần, bao nhiêu lần mỗi ngày, khi có triệu chứng thì mấy nhát xịt, khi không có triệu chứng thì mấy nhát xịt),
  • Cách sử dụng dụng cụ đúng cách ra sao (cách dùng bình xịt định liều, cách dùng bình hút bột khô).

Nếu bác sỹ chưa giải thích cặn kẽ ba điểm trên, bệnh nhân hãy hỏi bác sỹ cho rõ, nếu quên chưa hỏi bác sỹ, hoặc bác sỹ đã giải thích nhưng chưa rõ, hãy hỏi dược sỹ nhà thuốc. Bệnh nhân có thể đề nghị bác sỹ hay dược sỹ nhà thuốc cung cấp các tờ rơi hướng dẫn sử dụng dụng cụ. Hãy nhớ rằng không tuân thủ điều trị hen có một phần nguyên nhân là bệnh nhân không hiểu rõ phải điều trị như thế nào.

Nếu bệnh nhân cảm thấy chế độ điều trị là khó nhớ, khó thực hiện đối với bản thân, ví dụ nhiều loại thuốc (ngừa cơn, cắt cơn), nhiều loại dụng cụ (bình xịt định liều, bình hút bột khô), nhiều mức liều lượng (loại 1 nhát, loại 2 nhát. v.v.), nhiều bước sử dụng dụng cụ khác nhau (dụng cụ này 3 bước, dụng cụ khác 4, 5 bước), bệnh nhân cần mạnh dạn trao đổi với bác sỹ để được lựa chọn chế độ điều trị có dùng thuốc đơn giản hơn. Hãy nhớ rằng không tuân thủ điều trị hen có một phần nguyên nhân là chế độ điều trị quá phức tạp.

3.2 Thực hiện:

Bệnh nhân cần thực hiện chế độ điều trị có dùng thuốc theo hướng dẫn. Bệnh nhân cần lưu ý ba điểm sau:

  • Phân biệt cho rõ thuốc nào là ngừa cơn, thuốc nào là cắt cơn, thuốc nào là vừa ngừa cơn, vừa cắt cơn để dùng cho đúng loại, đúng thời điểm.
  • Ghi rõ lên hộp thuốc hoặc dán trên lọ thuốc số nhát xịt, hút cần dùng mỗi lần, mỗi ngày để sử dụng cho chính xác.
  • Thao tác đúng cách dùng từng loại dụng cụ: bình xịt định liều (evohaler, rapihaler), bình hút bột khô (turbuhaler, accuhaler).

3.3 Kiểm tra:

Bệnh nhân cần kiểm tra xem bản thân đã tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc tốt chưa. Bệnh nhân cần kiểm tra ba điểm sau:

  • Loại thuốc cắt cơn, ngừa cơn đã dùng đúng lúc hay chưa? nghĩa là thuốc ngừa cơn mỗi ngày cho dù là không có triệu chứng? và chỉ dùng thuốc cắt cơn mỗi khi có triệu chứng (ho, khó thở, khò khè, nặng ngực)? Bệnh nhân nên chủ động kể lại và đưa bình xịt cho bác sỹ kiểm tra xem bản thân đã điều trị đúng loại thuốc chưa, lưu ý, bệnh nhân đôi khi bị nhầm lẫn giữa thuốc ngừa cơn và thuốc cắt cơn mà không biết. Một số tình huống nhầm lẫn như sau:
    • Tưởng thuốc đắt tiền hơn (ngừa cơn) là mạnh hơn nên để dành xịt khi có triệu chứng: nhầm thuốc ngừa cơn là thuốc cắt cơn.
    • Khi thuốc ngừa và cắt cơn cùng là loại bình xịt định liều, có thể gắn nhầm ruột thuốc ngừa cơn và vỏ thuốc cắt cơn và ngược lại.
  • Liều lượng dùng thuốc đã đúng hay chưa? Các thuốc ngừa cơn trên thị trường thường có cửa sổ chỉ thị liều của số liều thuốc còn lại. Khi dùng đúng liều lượng thì số liều còn lại phải bằng hiệu số của tổng liều ban đầu trừ đi tích số của (số ngày dùng x số liều mỗi ngày). Nếu số liều còn lại ít hơn dự kiến, bệnh nhân đã dùng quá liều, nếu số liều còn lại cao hơn dự kiến, bệnh nhân đã bỏ quên vài liều.
  • Kỹ thuật dùng thuốc đã đúng hay chưa? Nghĩa là thuốc có vào trong phổi được không? Bệnh nhân có thể làm ba việc sau để kiểm tra thuốc có vào phổi không:
    • Khi xịt thuốc có thấy thuốc bay ra ngoài hay không? nếu có chứng tỏ thuốc không vào phổi.
    • Khi xịt thuốc có thấy hay bị nấm hầu họng không? nếu có chứng tỏ thuốc đọng lại ở vùng hầu họng chứ không vào trong phổi.
    • Làm xét nghiệm đo nồng độ FeNO trong hơi thở ra thấy có cao không, nghĩa là FeNO > 50 ppb ở người lớn , và FeNO > 35 ppb ở trẻ em. Bệnh nhân có thể đề nghị bác sỹ chỉ định đo FeNO để kiểm tra.

3.4 Điều chỉnh:

Bệnh nhân cần điều chỉnh lại tuân thủ điều trị của mình sau bước kiểm tra để việc tuân thủ điều trị tốt hơn. Bệnh nhân có thể thực hiện những điều chỉnh cụ thể như sau:

  • Nhầm lẫn giữa thuốc ngừa và cắt cơn: Thông thường, người lớn tuổi và trẻ em là hay nhầm lẫn điều này. Giải pháp đơn giản là dán thêm băng keo trên bình xịt ghi rõ thuốc nào là ngừa cơn, thuốc nào là cắt cơn.
  • Nhầm lẫn liều lượng thuốc thể hiện dùng quá nhiều hay quá ít: Thông thường, dùng không đủ liều thường gặp hơn quá liều thuốc ngừa cơn. Giải pháp có thể thực hiện là để bình xịt thuốc gần chỗ vệ sinh cá nhân hàng ngày để khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ sẽ sử dụng thuốc trước khi đánh răng, rửa mặt. Thuốc cắt cơn nên bỏ ngay trong túi xách tay để có thể dùng ngay khi cần.
  • Thuốc không vào phổi: nguyên nhân hàng đầu là do thao tác dùng dụng cụ xịt hút bị sai. Ba việc có thể làm là, thứ nhất là xem lại tờ rơi hướng dẫn sử dụng dụng cụ và dùng lại cho đúng; thứ hai là yêu cầu bác sỹ, hoặc dược sỹ nhà thuốc kiểm tra thao tác sử dụng dụng cụ xịt hút tại mỗi lần khám bệnh, mua thuốc, lưu ý là một lần thao tác đúng không đảm bảo các lần sau đó cũng thao tác đúng, việc kiểm tra và điều chỉnh thường xuyên luôn luôn cần thiết; thứ ba là đề nghị bác sỹ chuyển đổi sang loại dụng cụ xịt hút khác phù hợp hơn, lưu ý là việc lập đi lập lại sai sót khi thao tác sử dụng dụng cụ xịt hút có thể là dấu hiệu cho thấy đặc điểm thể chất của bệnh nhân có thể không tương thích với dụng cụ xịt hút được kê toa.
    • Bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp, teo cơ bàn tay sẽ khó phối hợp động tác tay nhấn bình xịt và miệng hút vào. Thuốc sau khi nhấn bình xịt sẽ bay ra ngoài không khí. Những bệnh nhân này nên đề nghị bác sỹ đổi sang dụng cụ bình hút bột khô nếu được. Trong trường hợp cũng không sử dụng được bình hút bột khô thì cần dùng bình xịt định liều kết hợp với buồng đệm.
    • Bệnh nhân bị liệt cơ mặt do tai biến mạch máu não, liệt thần kinh mặt, mất răng, teo cơ mặt, không chu môi được sẽ không ngậm kín dụng cụ bình hút bột khô để hút được. Những bệnh nhân này nên đề nghị bác sỹ đổi sang sử dụng bình xịt định liều nếu được. Trong trường hợp cũng không sử dụng được bình xịt định liều thì cần dùng bình xịt định liều kết hợp buồng đệm.

Tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc:

Tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc có giá trị bổ sung trong điều trị hen. Nguyên tắc là bệnh nhân cần thay đổi lối sống để tránh tiếp xúc các yếu tố kích phát cơn hen. Dưới đây là hình ảnh minh họa các yếu tố kích phát bệnh nhân hen cần tránh.

TS BS Lê Khắc Bảo

Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh,

Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Tài liệu tham khảo:

  1. GINA. Global Strategy for Asthma Management and Prevention. Updated 2020
  2. https://suckhoedoisong.vn/9-cach-hieu-qua-ngan-chan-con-hen-n164429.html

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM