CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI



CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI (Bài viết dành cho Bệnh nhân) Tác giả: PGS.TS.BS. Lê Thị Hồng ...

CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

(Bài viết dành cho Bệnh nhân)

Tác giả: PGS.TS.BS. Lê Thị Hồng Hanh

Giám đốc Trung tâm hô hấp – Bệnh viện Nhi trung ương

Hiệu đính: PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

Chủ tịch Liên chi Hội Hen – Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

Cơn hen cấp là gì?1

Cơn hen cấp là diễn tiến xấu cấp hoặc bán cấp về mặt kiểm soát triệu chứng (ho, khò khè, khó thở, nặng ngực), đủ để gây ra nguy hiểm hoặc nguy cơ đến sức khỏe, cần đến nhân viên y tế thăm khám hoặc cần phải điều trị corticosteroid toàn thân.

Cơn hen phế quản cấp có thể xảy ra ở bệnh nhân đã chẩn đoán hen hoặc là biểu hiện đầu tiên của hen.

Các yếu tố nguy cơ gây cơn hen phế quản cấp1?

  • Các triệu chứng hen không kiểm soát.
  • ≥ 1 cơn hen cấp nặng trong năm vừa qua (cấp cứu, nhập viện hoặc đợt corticosteroid uống).
  • Bắt đầu mùa “kịch phát‟ thông thường của trẻ (thời điểm giao mùa, nhất là mùa thu)
  • Phơi nhiễm: khói thuốc lá; ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời; dị nguyên trong nhà ( mạt nhà, gián, thú nuôi, nấm mốc), nhất là kết hợp với nhiễm vi rút.
  • Các vấn đề tâm lý, xã hội – kinh tế đối với trẻ hoặc gia đình.
  • Tuân thủ kém với thuốc kiểm soát, hoặc kỹ thuật hít thuốc không đúng.

Làm thế nào nhận biết dấu hiệu cơn hen cấp1?

Các triệu chứng dưới đây phản ảnh tình trạng hen diễn tiến xấu, nguy cơ bị cơn hen cấp:

– Khởi phát các triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp.

– Tăng ho, khó thở hoặc khò khè cấp tính hoặc bán cấp.

– Lừ đừ hoặc giảm khả năng vận động.

– Giảm hoạt động hàng ngày, kể cả ăn uống.

– Đáp ứng kém với thuốc giảm triệu chứng.

Bố mẹ cần làm gì để xử trí sớm cơn hen cấp tại nhà?

Bản kế hoạch hành động hen nên được cung cấp cho gia đình/người chăm sóc của tất cả các trẻ hen. Bản kế hoạch hành động hen gồm1:

– Nhận biết khi nào triệu chứng của trẻ diễn tiến xấu.

– Các thuốc sử dụng, liều dùng.

Bản kế hoạch hành động hen2

– Xử trí sớm cơn hen cấp tại nhà.

– Khi nào cần gặp bác sĩ, số điện thoại bác sĩ, phòng cấp cứu, bệnh viện…

Các thuốc xử trí cơn hen cấp tại nhà

Nhóm thuốc SABA đường hít1:

– Bắt đầu điều trị với2- 4 nhát SABA hít (200-400 mcg salbutamol) qua buồng đệm mỗi 20 phút trong 1 giờ hoặc salbutamol phun khí dung 2,5mg/lần, 3 lần cách nhau 20 phút trong giờ đầu

– Trẻ nên được theo dõi bởi gia đình/người chăm sóc và đánh giá lại sau mỗi lần khí dung. Nếu cải thiện, giữ trẻ trong không gian yên tĩnh và trấn an trong 1 giờ hoặc hơn. Tiếp tục liều salbutamol  qua bình hít hoặc khí dung mỗi 3-4 giờ trong 24-48 giờ tiếp theo.

– Cần đưa đến bệnh viện ngay nếu trẻ bị suy hô hấp cấp, lừ đừ, không đáp ứng với liệu pháp thuốc giãn phế quản ban đầu, nhất là trẻ <1 tuổi.

– Nên đến cơ sở chăm sóc y tế ngay trong ngày nếu cần đến SABA hít thường xuyên hơn mỗi 3 giờ hoặc hơn 24 giờ.

Nhóm thuốc Corticosteroid:

– Corticosteroid dạng hít hoặc khí dung: khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu cơn hen cấp hoặc triệu chứng viêm long đường hô hấp trên khởi phát cơn hen, cần gấp đôi liều corticosteroid dạng hít hoặc corticosteroid dạng khí dung tại nhà. Thời gian điều trị 1-2 tuần (≤ 2 tuần) rồi sau đó quay trở về liều duy trì3.

– Corticosteroid dạng uống: do có nhiều tác dụng phụ, nhất là khi sử dụng kéo dài và không đúng chỉ định, corticosteroid đường uống tại nhà phải được chỉ định bởi bác sĩ và phải theo dõi sát tác dụng phụ1.

Nhóm thuốc điều trị dự phòng khác tại nhà (Kháng thụ thể Leukotrien…):

– Liều lượng và cách dùng theo chỉ định của BS hoặc theo bản kế hoạch hành động hen đã được hướng dẫn.

Khi nào trẻ cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức?1

– Trẻ bị suy hô hấp cấp, lừ đừ, không đáp ứng với liệu pháp thuốc giãn phế quản ban đầu, hoặc đang trở nặng, nhất là trẻ <1 tuổi.

– Sử dụng SABA hít thường xuyên hơn mỗi 3 giờ hoặc hơn 24 giờ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Global Initiative for Asthma (GINA). Global strategy for asthma management and prevention (2022 update), http://ginasthma.org
  2. Hội nhi khoa Việt Nam – http://hoinhikhoavn.com/d1054/brochure-huong-dan-tu-xu-ly-hen.html
  3. Đồng thuận Quốc gia về liệu pháp khí dung trong điều trị bệnh lý Hô hấp thường gặp ở trẻ em 2020 – Hội Hô Hấp Nhi Việt Nam

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM