Tuân thủ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính



Vì sao phải tuân thủ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính? Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi tắc nghẽn luồng ...

  1. Vì sao phải tuân thủ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi tắc nghẽn luồng khí không phục hồi hoàn toàn. Thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kinh điển là thuốc giãn phế quản đường hít. Điều đáng tiếc là thuốc giãn phế quản đường hít chỉ có thể kiểm soát triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn khi còn dùng thuốc nhưng không điều trị khỏi hẳn bệnh. Chính vì lẽ đó, tuân thủ điều trị thuốc giãn phế quản đường hít lâu dài là thiết yếu trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Không tuân thủ điều trị thuốc giãn phế quản đường hít sẽ làm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (ho khạc đàm mạn tính, khó thở khi gắng sức) dai dẳng, làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ vào đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Một trong các nguyên nhân thường gặp làm triệu chứng nặng lên và thúc đẩy vào đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là không tuân thủ điều trị thuốc giãn phế quản đường hít trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

  1. Tuân thủ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Tuân thủ điều trị trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được hiểu đơn giản là việc làm đúng theo hướng dẫn của bác sỹ cả về các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Đối với chế độ điều trị có dùng thuốc, bệnh nhân cần sử dụng đúng thuốc, đúng liều, và đúng cách. Đối với chế độ điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện những điều nên làm, và nên tránh trong sinh hoạt và làm việc để kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trái với tuân thủ điều trị, không tuân thủ điều trị thể hiện ra qua việc dùng sai thuốc, sai liều, hay sai cách hoặc không thực hiện những điều nên làm, và nên tránh. Bệnh nhân dùng thuốc giãn phế quản đường uống thay cho đường hít, bệnh nhân dùng corticoid uống và hít khi không có chỉ định là hai ví dụ điển hình cho việc dùng sai thuốc. Bệnh nhân tự ý giảm liều, ngưng thuốc khi thấy triệu chứng đã bớt, bệnh nhân tự ý tăng liều khi triệu chứng nặng lên là hai ví dụ điển hình của việc sai liều. Bệnh nhân cũng có thể thao tác sử dụng dụng cụ xịt, hút sai cách làm cho thuốc bám vào vùng hầu họng, hay bay ra ngoài không khí, từ đó hiệu quả điều trị không có. Đối với chế độ điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân không tiêm ngừa cúm, phế cầu dù bác sỹ khuyến cáo, bệnh nhân không tham gia tập vận động phục hồi chức năng hô hấp, bệnh nhân tiếp tục thuốc lá bất chấp lời khuyên của bác sỹ .v.v. là các tình huống không tuân thủ điều trị rất thường gặp trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

  1. Tuân thủ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như thế nào?

Tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc:

Tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc là then chốt trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mô hình bốn bước bao gồm: hoạch định – thực hiện – kiểm tra – điều chỉnh có thể áp dụng giúp cải thiện tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

3.1 Hoạch định:

Bệnh nhân cần lên kế hoạch sử dụng thuốc như thế nào. Bệnh nhân nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sỹ điều trị để hiểu thật rõ ba điểm sau đối với từng loại thuốc bác sỹ kê toa cho mình:

  • Tác dụng của thuốc: giảm triệu chứng cấp thời hay kiểm soát triệu chứng lâu dài. Tình huống nào thì dùng loại thuốc nào?
  • Dụng cụ dùng thuốc: bình xịt định liều, hay bình xịt hạt mịn, hay bình hút bột khô. Cách sử dụng từng loại dụng cụ như thế nào?
  • Liều lượng thuốc: dùng mấy nhát xịt/ hút đối với loại thuốc giảm triệu chứng cấp thời? dùng mấy nhát xịt/ hút mỗi lần, mỗi ngày mấy lần đối với loại thuốc kiểm soát triệu chứng lâu dài?

Bệnh nhân hãy hỏi bác sỹ điều trị /dược sỹ nhà thuốc cho rõ ba điểm này. Bệnh nhân cũng có thể đề nghị bác sỹ điều trị /dược sỹ nhà thuốc cung cấp tờ rơi hướng dẫn sử dụng dụng cụ. Không hiểu rõ phải điều trị như thế nào là một nguyên nhân gây không tuân thủ điều trị.

3.2 Thực hiện:

Bệnh nhân cần thực hiện chế độ điều trị có dùng thuốc theo hướng dẫn. Bệnh nhân cần lưu ý ba điểm sau:

  • Phân biệt rõ thuốc nào là thuốc giảm triệu chứng cấp thời, thuốc nào là thuốc kiểm soát triệu chứng lâu dài để có thể sử dụng chúng đúng thời điểm trong ngày: thuốc giảm triệu chứng cấp thời dùng mỗi khi có triệu chứng khó thở; thuốc kiểm soát triệu chứng dùng hằng ngày bất chấp có hay không có triệu chứng khó thở.
  • Ghi rõ lên vỏ hộp thuốc liều lượng cần dùng hằng ngày và khi có triệu chứng, đặc biệt trong trường hợp chế độ điều trị có dùng thuốc của bệnh nhân đòi hỏi phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau.
  • Thực hành thao tác đúng cách dùng từng dụng cụ được kê toa: bình xịt định liều (evohaler, rapihaler), bình xịt hạt mịn (respimat), bình hút bột khô (turbuhaler, accuhaler, breezhaler, ellipta).

3.3 Kiểm tra:

Bệnh nhân cần kiểm tra xem bản thân đã tuân thủ chế độ điều trị có dùng thuốc tốt chưa. Bệnh nhân cần kiểm tra ba điểm sau:

  • Loại thuốc giảm triệu chứng cấp thời, thuốc kiểm soát triệu chứng lâu dài đã dùng đúng lúc hay chưa? nghĩa là, thuốc kiểm soát triệu chứng được dùng mỗi ngày ngay khi vừa mới thức dậy cho dù là không có triệu chứng? và chỉ dùng thuốc giảm triệu chứng cấp thời mỗi khi có triệu chứng khó thở nặng lên đột ngột? Bệnh nhân nên chủ động kể lại và đưa bình xịt, hút cho bác sỹ kiểm tra xem bản thân đã điều trị đúng loại thuốc chưa.
  • Liều lượng dùng thuốc đã đúng hay chưa? Các thuốc kiểm soát triệu chứng trên thị trường thường có cửa sổ chỉ thị liều của số liều thuốc còn lại. Khi dùng đúng liều lượng thì số liều còn lại phải bằng hiệu số của tổng liều ban đầu trừ đi tích số của (số ngày dùng x số liều mỗi ngày). Nếu số liều còn lại ít hơn dự kiến, bệnh nhân đã dùng quá liều, nếu số liều còn lại cao hơn dự kiến, bệnh nhân bỏ quên vài liều. Riêng đối với bình hút bột khô Breezhaler thì số liều còn lại chính là số viên thuốc còn lại trong vỉ thuốc.
  • Kỹ thuật dùng thuốc đã đúng hay chưa? Nghĩa là thuốc có vào trong phổi được không? Bệnh nhân có thể làm hai việc sau để kiểm tra thuốc có vào phổi không:
    • Khi xịt thuốc có thấy thuốc bay ra ngoài hay không? nếu có chứng tỏ thuốc không vào phổi.
    • Khi xịt thuốc có chứa corticoid, có thấy hay bị nấm hầu họng không? nếu có chứng tỏ thuốc đọng lại ở vùng hầu họng chứ không vào trong phổi.

3.4 Điều chỉnh:

Bệnh nhân cần điều chỉnh lại tuân thủ điều trị của mình sau bước kiểm tra để việc tuân thủ điều trị tốt hơn. Bệnh nhân có thể thực hiện những điều chỉnh cụ thể như sau:

  • Nhầm lẫn giữa thuốc kiểm soát triệu chứng lâu dài và thuốc giảm triệu chứng cấp thời. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường là cao tuổi và điều nhầm lẫn là có thể xảy ra. Giải pháp đơn giản là dán thêm băng keo trên bình xịt ghi rõ thuốc nào là kiểm soát triệu chứng lâu dài, thuốc nào là giảm triệu chứng cấp thời.
  • Nhầm lẫn liều lượng thuốc thể hiện dùng quá nhiều hay quá ít: Thông thường, dùng không đủ liều thường gặp hơn quá liều thuốc ngừa cơn. Giải pháp có thể thực hiện là để bình xịt thuốc gần chỗ vệ sinh cá nhân hàng ngày để khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ sẽ sử dụng thuốc trước khi đánh răng, rửa mặt. Thuốc giảm triệu chứng cấp thời nên bỏ ngay trong túi áo để có thể dùng ngay khi cần.
  • Thuốc không vào phổi: nguyên nhân hàng đầu là do thao tác dùng dụng cụ xịt hút bị sai. Ba việc có thể làm là, thứ nhất là xem lại tờ rơi hướng dẫn sử dụng dụng cụ và dùng lại cho đúng; thứ hai là yêu cầu bác sỹ, hoặc dược sỹ nhà thuốc kiểm tra thao tác sử dụng dụng cụ xịt hút tại mỗi lần khám bệnh, mua thuốc, lưu ý là một lần thao tác đúng không đảm bảo các lần sau đó cũng thao tác đúng, việc kiểm tra và điều chỉnh thường xuyên luôn luôn cần thiết; thứ ba là đề nghị bác sỹ chuyển đổi sang loại dụng cụ xịt hút khác phù hợp hơn, lưu ý là việc lập đi lập lại sai sót khi thao tác sử dụng dụng cụ xịt hút có thể là dấu hiệu cho thấy đặc điểm thể chất của bệnh nhân có thể không tương thích với dụng cụ xịt hút được kê toa.
    • Bệnh nhân viêm khớp, thoái hóa khớp, teo cơ bàn tay sẽ khó phối hợp động tác tay nhấn bình xịt và miệng hút vào. Thuốc sau khi nhấn bình xịt sẽ bay ra ngoài không khí. Những bệnh nhân này nên đề nghị bác sỹ đổi sang dụng cụ bình hút bột khô nếu được. Trong trường hợp cũng không sử dụng được bình hút bột khô thì cần dùng bình xịt định liều kết hợp với buồng đệm.
    • Bệnh nhân bị liệt cơ mặt do tai biến mạch máu não, liệt thần kinh mặt, mất răng, teo cơ mặt, không chu môi được sẽ không ngậm kín dụng cụ bình hút bột khô để hút được. Những bệnh nhân này nên đề nghị bác sỹ đổi sang sử dụng bình xịt định liều nếu được. Trong trường hợp cũng không sử dụng được bình xịt định liều thì cần dùng bình xịt định liều kết hợp buồng đệm.

Tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc:

Tuân thủ chế độ điều trị không dùng thuốc có vị trí đặc biệt trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ba việc thiết yếu phải thực hiện trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là: cai thuốc lá ngay lập tức nếu đang hút thuốc lá, tiêm ngừa cúm và phế cầu, và tập vận động phục hồi chức năng hô hấp.

  • Cai thuốc lá:
    • Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, là yếu tố thúc đẩy bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào cơn cấp. Cai thuốc lá là biện pháp duy nhất được chứng minh giúp làm giảm tốc độ tiến triển nặng lên thêm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
    • Cai thuốc lá không dễ dàng nhưng không phải là không thể thực hiện được. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn đang hút thuốc lá phải lập tức cai ngay thuốc lá. Trong trường hợp việc tự cai thuốc lá khó khăn do bệnh nhân đã nghiện nặng thuốc lá. Bệnh nhân nên yêu cầu bác sỹ điều trị hỗ trợ hoặc giới thiệu bệnh nhân đi tư vấn cai nghiện thuốc lá.
    • Hiện nay trên thị trường đã có các thuốc giúp cai nghiện thuốc lá chính là nicotine thay thế, varenicline, và buprobion. Các thuốc này giúp giảm nhẹ triệu chứng cai nghiện thuốc lá, đặc biệt trên người nghiện thuốc lá thực thể mức độ từ trung bình đến nặng. Như vậy, nếu bệnh nhân cai thuốc lá quá khó khăn, cảm giác thèm quá không cưỡng nổi, có thể yêu cầu bác sỹ kê thêm các thuốc hỗ trợ cai thuốc lá.
  • Tiêm ngừa cúm và phế cầu: Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là đối tượng có nguy cơ dễ mắc và chịu các tác hại do nhiễm cúm và phế cầu. Nhiễm cúm, phế cầu có thể dẫn đến đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đôi khi phải nhập viện.
    • Tiêm ngừa cúm hàng năm là việc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên làm. Tiêm ngừa cúm trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được chứng minh làm giảm gánh nặng cúm trên nhóm bệnh nhân này.
    • Tiêm ngừa phế cầu cũng là việc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên làm. Tiêm ngừa phế cầu với vaccin cộng hợp một lần có giá trị bảo vệ lâu dài chống nhiễm phế cầu trên đối tượng bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
    • Khuyến cáo GOLD mới nhất năm 2021 cũng khuyến cáo bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiêm ngừa ho gà bên cạnh tiêm ngừa cúm và phế cầu. Tỷ lệ mắc ho gà trên người lớn trong thời gian gần đây có khuynh hướng gia tăng dù đã áp dụng tiêm chủng mở rộng bạch hầu, uốn ván, ho gà cho trẻ em được giải thích là do hiệu quả bảo vệ của vaccin ho gà giảm hiệu quả sau 10 năm. Tiêm nhắc ho gà cho người lớn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì thế được đưa vào khuyến cáo GOLD 2021.
  • Tập vận động phục hồi chức năng phổi đã được chứng minh cải thiện chất lượng cuộc sống trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
    • Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường ngại vận động vì vận động gây khó thở, ngại vận động sẽ dẫn teo cơ, teo cơ đến lượt nó làm bệnh nhân càng khó thở hơn khi vận động, và vòng lẩn quẩn này cứ tiếp diễn mãi.
    • Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên chủ động vận động như đi bộ, bơi lội, tập thở cơ hoành, tập thở chúm môi theo hướng dẫn của bác sỹ và chuyên viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng lâu dài mà bác sỹ đã kê một cách đều đặn sẽ giúp giảm triệu chứng khó thở khi gắng sức để tham gia tập vận động tốt hơn, hiệu quả hơn.

TS.BS. Lê Khắc Bảo

Đại học Y dược TPHCM,

Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Tài liệu tham khảo:

  1. Global Strategy for the Diagnosis, Management, and Prevention of Chronic Obstructive Pulmonary Disease. 2021 report
  2. Bộ Y Tế. Tài liệu hướng dẫn tổ chức tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam. 2018

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM