BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ COVID-19 (DÀNH CHO NHÂN VIÊN Y TẾ)



Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các ...

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp và giới hạn luồng khí dai dẵng, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử và khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây COPD. Các bệnh đồng mắc và các đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh1.

Cho đến hiện tại vẫn chưa có bằng chứng xác định bệnh nhân COPD có tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, bệnh nhân COPD là đối tượng nguy cơ cao khi bị nhiễm COVID-19, các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COPD chiếm 2-14% bệnh nhân nhập viện2; tăng nguy cơ nhập viện 4,23 lần(OR 4,23, 95% CI: 3,65-4,90); nhập cấp cứu 1,35 lần(OR 1,35, 95% CI: 1,02-1,78) và tử vong 2,47 lần(OR 2,47, 95% CI: 2,18-2,79)3.

Vậy trong dịch COVID-19, làm sao phân biệt triệu chứng COPD với triệu chứng COVID-19 để chẩn đoán xác định các bệnh nhân COPD mới; trường hợp bệnh nhân CODP ổn định cần được quản lý như thế nào? Và nếu bệnh nhân COPD nghi nhiễm hay nhiễm COVID-19 thì sẽ được theo dõi và có phải thay đổi điều trị không?

  1. Chẩn đoán COPD trong dịch COVID-19

Trước tiên cần phân biệt các triệu chứng COPD với các triệu chứng COVID-191,4,5:

Triệu chứng Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)1,4 COVID-195
Ho x x
Khó thở x x
Tăng tiết đờm x  
Sốt   x
Viêm họng   x
Tiêu chảy   x
Buồn nôn hoặc nôn mửa   x
Đau nhức cơ   x
Đau đầu   x
Viêm họng   x
Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi   x
Giảm khứu giác và vị giác   x
Rối loạn tiêu hóa   x

Bảng 1: Phân biệt các triệu chứng COPD với các triệu chứng COVID-19

Đồng thời kết hợp thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh nhân (phơi nhiễm nghề nghiệp, tình trạng hút thuốc,…), cũng như chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác.

COPD được chẩn đoán xác định bằng hô hấp ký (chỉ số FEV1/FVC <0,7 hoặc <LLN sau test giãn phế quản). Tuy nhiên, GOLD 2022 cũng khuyến cáo nên hạn chế đo hô hấp ký trong dịch COVID-19. Nếu thực hiện hô hấp ký khi thì bệnh nhân nên làm test PCR SARS-Covid và kết quả âm tính trước khi đó; trường hợp kết quả COVID-19 dương tính nên chờ tới khi âm tính mới thực hiện  hô hấp ký1.

  • Điều trị bệnh nhân COPD giai đoạn ổn định trong dịch COVID-19 như thế nào?

GOLD 2022 khuyến cáo tiếp tục phối hợp liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc,cùng với các biện pháp bảo vệ cho bệnh nhân COPD. Cụ thể1:

Bảng 2: Những điểm quan trọng trong quản lý COPD giai đoạn ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân COPD: vaccine COVID-19 có hiệu lực bảo vệ cao, giảm tỉ lệ nhập viện, nhập ICU hoặc cấp cứu, thăm khám khẩn cấp, kể cả đối với bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính. Vì vậy bệnh nhân COPD nên tiêm vaccine COVID-19 và thực hiện theo chiến lược tiêm chủng của từng quốc gia1.

WHO và CDC cũng khuyến khích chủng ngừa được cho những người có bệnh đi kèm đã được xác định là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng, bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính6,7.

  • Phân biệt triệu chứng của bệnh nhân COPD với triệu chứng COVID-191

Ho và khó thở có ở hơn 60% bệnh nhân COVID-19 nhưng thường đi kèm với sốt (>60% bệnh nhân) cũng như mệt mỏi, rối loạn tri giác, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau cơ, giảm khứu giác, rối loạn tiêu hóa và đau đầu

Triệu chứng COVID-19 ban đầu có thể nhẹ nhưng chức năng phổi có thể xấu đi nhanh chóng. Nghi ngờ nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân COPD nếu bệnh nhân có biểu hiện đợt cấp, đặc biệt nếu kèm theo sốt, suy giảm vị giác hoặc khứu giác hoặc các phàn nàn về tiêu hóa.

Các triệu chứng dai dẳng ở bệnh nhân COPD có thể gây khó khăn trong chẩn đoán. Một nghiên cứu cho thấy chỉ 65% bệnh nhân trở lại được tình trạng sức khỏe trước đó từ 14-21 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Một số bệnh nhân tiếp tục bị ho, mệt mỏi và khó thở trong nhiều tuần và một phần nhỏ các bệnh nhân có triệu chứng trong nhiều tháng. Hồi phục chậm phổ biến ở những người mắc nhiều bệnh mạn tính nhưng không liên quan cụ thể đến việc mắc COPD.

Hình 1: Quản lý bệnh nhân COPD trong giai đoạn COVID-19

  • Đối với bệnh nhân COPD mắc COVID-19 thì điều trị và theo dõi sau đó như thế nào?
Bảng 3: Quản lý bệnh nhân COPD nhiễm/nghi ngờ nhiễm COVID-19

Khoảng 30% bệnh nhân SARS hoặc MERS có các bất thường về phổi dai dẳng và hình ảnh X-quang bất thường phù hợp với bệnh phổi xơ sau đợt bệnh cấp tính của họ. Chưa có các nghiên cứu dài hạn về việc theo dõi các bệnh nhân COVID-19, cũng như các khuyến nghị để theo dõi những bệnh nhân này, do đó việc theo dõi các bệnh nhân COPD sau COVID-19 vẫn dựa trên các chuyên gia, ý kiến và sự đồng thuận. Mức độ giám sát rõ ràng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt COVID-19.

Những bệnh nhân bị COVID-19 nhẹ nên tuân thủ theo các phác đồ thông thường được sử dụng cho bệnh nhân COPD. Những bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ trung bình, bao gồm cả nhập viện và viêm phổi nhưng không suy hô hấp, cần được theo dõi thường xuyên và chính xác hơn những bệnh nhân COPD thông thường, đặc biệt chú ý đến nhu cầu điều trị bằng oxy.

Nếu có các bất thường trên X-quang ngực vẫn chưa được giải quyết khi xuất viện, nên xem xét chụp X-quang phổi, có thể là chụp CT từ 6 tháng đến 1 năm. Các biến chứng xảy ra trong/sau COVID-19 nên được kiểm tra thường xuyên.

Từ viết tắt:

  • HFNT:  liệu pháp oxy lưu lượng cao qua mũi;
  • NIV: Thông khí không xâm lấn
  • SARS: Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng
  • MERS: Hội chứng hô hấp Trung Đông

Tác giả: BS.CKII. Lê Thị Kim Chi

Giảng viên Bộ môn Nội – Trường Đại học Y Dược TP. HCM

Hiệu đính: PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

Chủ tịch Liên chi Hội Hen – Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM