CHƯƠNG TRÌNH “VÌ LÁ PHỔI KHỎE VIỆT NAM 2017-2020”

I. Tổng quan về chương trình “Vì lá phổi khỏe”

Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) tại 9 quốc gia Châu Á. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình này.
Chương trình được chính thức giới thiệu tại Việt Nam từ ngày 21.9.2017 và đến ngày 18.10.2017, Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình Vì lá phổi khỏe Việt Nam giai đoạn 2007-2020 đã được ký kết giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và AstraZeneca.

Trong giai đoạn 2017- 2020, Cục Quản lý Khám đã và đang phối hợp với AstraZeneca Việt Nam và các Hội chuyên ngành: Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (VATLD), Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP. HCM để triển khai chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” với tổng giá trị thực hiện là 1 triệu USD.

[su_table]

Chương trình hướng đến ba mục tiêu chính:

  1. Hợp tác và nhận thức: Phối hợp nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này.
  2. Hạ tầng và khả năng tiếp cận Cải thiện chất lượng và thành lập 150 phòng quản lý Hen và BPTNMT ngoại trú mới với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước
  3. Năng lực và kỹ năng: Nâng cao năng lực (chẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh thành, quận, huyện) trên cả nước

[/su_table]

II. Ý nghĩa chương trình “Vì lá phổi khỏe”

Hen và BPTNMT là hai căn bệnh mạn tính về đường hô hấp gây ra những gánh nặng lớn về y tế, kinh tế, và xã hội trên toàn cầu, với tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong không có dấu hiệu suy giảm mặc cho những phát triển không ngừng về điều trị. Dù vậy, Hen và BPTNMNT có tỉ lệ chẩn đoán và tỉ lệ đạt kiểm soát kém và vẫn chưa được sự quan tâm và chú ý đúng mức như là một bệnh mạn tính cần quản lý ngoại trú lâu dài

Về BPTNMT, mặc dù ước tính có trên 4,2% dân số bị mắc BPTNMT (1) nhưng đáng lo là phần lớn hiện nay vẫn chưa được chẩn đoán do thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhận thức kém từ phía người dân, cũng như giới hạn về khả năng chuyên môn của y tế cộng đồng. Khảo sát trong khuôn khổ chương trình quốc gia cho thấy chỉ có 43,9% bác sĩ Việt Nam có thể kể ra 4 tiêu chuẩn để chẩn đoán BPTNMT và chỉ 23,5% bác sĩ trả lời đúng về xếp loại BPTNMT theo GOLD 2011. (2)

Về bệnh hen, ước tính có trên 300 triệu người mắc bệnh hen với hầu hết tử vong do hen tập trung ở những nước thu nhập thấp hay trung bình. (3,4) Một nghiên cứu về việc áp dụng GINA tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, chỉ có 39,7% bệnh nhân kiểm soát được Hen. (5)

Nhằm giải quyết tình trạng bất cập này, Chương trình “Vì Lá Phổi khỏe” phối hợp với các đối tác triển khai các hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng, xây dựng các đơn vị quản lý ngoại trú Hen và BPTNMT đạt chuẩn, cải thiện năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh Hen và BPTNMT. Các đơn vị này có vai trò giúp bệnh nhân hen và BPTNMT được tiếp cận chẩn đoán sớm, điều trị ngay tại địa phương, ngăn ngừa đợt cấp cho người dân do không phải cấp cứu nhập viện, từ đó giảm gánh nặng chi phí nhập viện và tỷ lệ tử vong, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Nhung NV, Sy DN. National prevalence survey of chronic obstructive pulmonary disease in Vietnam. 42nd Union World Congress on Lung Health 2011.
2. Hanh TC, Phuong TP, Giap VV, Chau QN. Knowledge, attitudes, and practice of medical doctors in diagnosis and management of BPTNMT patients in Vietnam. Annual Congress of The European Respiratory Society (ERS) 2014. Oral Presentation.
3. GINA 2017.
4. Zainudin BMZ, Kai Wei Lai C, Soriano JB, Jia-Horng W, De Guia TS. Respirology 2005; 10:579–586.
5. Thuy Hanh Tran, Van Doan Nguyen. Epidemiology of adult asthmatics in Viet Nam: results from cross-sectional study nationwide. 23rd Annual scientific meeting of the Australasian society of clinical immunology and allergy. 2012.

III. Hình thức tổ chức chương trình “Vì lá phổi khỏe”

Để hướng tới 3 mục tiêu chính của chương trình, trong khuôn khổ hoạt động “Vì lá phổi khỏe” tại Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động bao gồm:

Hợp tác và nhận thức:

Với sự phối hợp của các Hội chuyên ngành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chương trình Vì lá phổi khỏe sẽ triển khai các hoạt động hướng tới cộng đồng nói chung và bệnh nhân hen và BPTNMT bao gồm các hoạt động khám tầm soát và câu lạc bộ bệnh nhân để gia tăng nhận thức và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Hạ tầng và khả năng tiếp cận:

Chương trình Vì lá phổi khỏe sẽ hỗ trợ máy hô hấp ký và máy phun khí dung để thành lập các phòng quản lý ngoại trú Hen và BPTNMT với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, nhằm cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh Hen và BPTNMT. Các đơn vị này sẽ giúp bệnh nhân được tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt.

Năng lực và kỹ năng:

Các hoạt động hướng tới nhân viên y tế bao gồm các khóa học nâng cao năng lực khám và chẩn đoán cho các bác sĩ, điều dưỡng được tổ chức bởi các Hội chuyên ngành và được cấp chứng chỉ CME; các hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa. Chương trình hướng đến nâng cao năng lực (chẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh thành, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh Hen và BPTNMT.

Các hoạt động sẽ được tổ chức thông qua hợp tác với 3 đối tác chính là Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (VATLD); Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP. HCM. Các bệnh viện sẽ đăng ký với Hội phù hợp theo từng hệ thống bệnh viện để nhận được tư vấn và hỗ trợ. Từ danh sách đăng ký, Hội sẽ thẩm định lại và làm việc với AstraZeneca để lựa chọn danh sách các hoạt động hỗ trợ phù hợp cho từng bệnh viện. Quy trình đăng ký, xét duyệt hoạt động sẽ được tổ chức theo thành từng quý.

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM