DI CĂN NÃO TRONG UNG THƯ PHỔI



Di căn não là một biến chứng thường gặp trong ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Khoảng 10% bệnh nhân mới được chẩn ...

Di căn não là một biến chứng thường gặp trong ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Khoảng 10% bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) tiến triển có di căn não. Khoảng 40 đến 50% các trường hợp ung thư di căn não là từ ung thư phổi.

Hình ảnh ung thư di căn não

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dựa vào đặc điểm mô bệnh học, phân loại ung thư phổi gồm 2 loại:  Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) và ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN) chiếm lần lượt 85% và 15%. Khoảng 16 đến 20% bệnh nhân ung thư phổi sẽ tiến triển di căn não, trong đó UTPTBN thường di căn mạnh và sớm hơn UTPKTBN. Tỷ lệ di căn não cao hơn ở những bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR, chuyển vị ALK hoặc đột biến HER2 vào khoảng 50 – 60%.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của di căn não thường rất đa dạng do khối u phát triển dần kèm phù nề dẫn đến các triệu chứng thường gặp như đau đầu, co giật, động kinh, rối loạn chức năng thần kinh khu trú (chứng liệt nửa người nhẹ…), rối loạn chức năng nhận thức (gặp vấn đề về trí nhớ, tâm trạng, tính tình thay đổi…) và đột quỵ.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể góp phần phản ánh vị trí, số lượng và sự tiến triển của các khối u di căn.

Chẩn đoán di căn não

Việc chẩn đoán di căn não dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân,  thông qua thăm khám thần kinh và chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có cản quang là phương pháp ưu tiên được sử dụng để phát hiện các tổn thương ở bệnh nhân nghi ngờ có di căn não và để phân biệ di căn não với các tổn thương khác của hệ thần kinh trung ương.

MRI cũng cần được sử dụng trong việc lập kế hoặc điều trị và làm cơ sở để đánh giá đáp ứng điều trị.

Ở những cơ sở chưa có MRI, CT có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương di căn

Điều trị Ung thư phổi di căn não

Nguyên tắc cơ bản điều trị UTP di căn não là kết hợp điều trị tại chỗ (tại não) và điều trị toàn thân (điều trị UTP). Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mô bệnh học, tình trạng chức năng thần kinh của bệnh nhân, mức độ lan rộng của khối u nguyên phát và tiên lượng bệnh

Các phương pháp tại chỗ để điều trị ung thư phổi di căn não hiện nay bao gồm: xạ trị, điều trị nội khoa, can thiệp ngoại khoa trong một số trường hợp

  1. Xạ trị khối u não

Là phương pháp điều trị chính, có 2 phương páp xạ trị não, bao gồm:

  • Xạ toàn não: liều xạ trị thường quy 30Gy (3Gy/ngày x 10 ngày)

Áp dụng với các trường hợp di căn não đa ổ (> 3 ổ), UTP tế bào nhỏ di căn não, bệnh lan tràn, tình trạng toàn thân kém, hoặc các trường hợp không thể xạ phẫu hoặc phẫu thuật do điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị hoặc có chống chỉ định.

  • Xạ phẫu khối u não: áp dụng với các u não di căn một hay ≤ 3 ổ, kích thước u < 5cm, có thể kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị toàn não. Liều xạ trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, vị trí tổn thương, số lượng tổn thương và loại mô bệnh học.
  1. Điều trị ngoại khoa: mục đích để cắt bỏ toàn bộ hay một phần khối u
  2. Điều trị nội khoa:
  • Điều trị triệu chứng:
    • Liệu pháp corticoid: dùng khi tăng áp lực nội sọ hoặc liệt. Cần giảm liều corticoid dần dần trước khi dùng
    • Chống động kinh: không điều trị dự phòng nếu không có cơn. Thuốc thường dùng depakine 500mg (uống ngày 1-3 viên) hoặc Tegretol 200mg (uống ngày 1-2 viên)
    • Chống phù não: Manitol 20-25% truyền tĩnh mạch 1-1,5g/kg trong thời gian 30 phút, sau đó có thể nhắc lại sau 4-6 giờ. Mục đích gây lợi tiểu thẩm thấu, kéo nước ra khỏi nhu mô não làm giảm phù não (tác dụng sau 45 phút và kéo dài 4-6 giờ). Có thể phối hợp với thuốc lợi tiểu quai (lasix 20mg tiêm tĩnh mạch) làm tăng tác dụng của manitol.
    • Phục hồi chức năng: tập vận động, lời nói
    • Điều trị giảm đau: khi bệnh nhân có đau đầu hoặc đau vị trí khác

Điều trị toàn thân có thể là hóa trị, điều trị đích (trường hợp có đột biến EGFR, ALK…). Bên cạnh đó các thuốc EGFR-TKI (như osimertinib, gefitinib, erlotinib…) đều có trọng lượng phân tử nhỏ, có khả năng xuyên qua hàng rào máu não và thấm vào nhu mô não đạt nồng độ điều trị. Việc phối hợp các phương pháp điều trị này đóng vai trò quan trọng giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Trong thực hành lâm sàng, EGFR-TKI có thể được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhân ung thư phổi di căn não quá yếu, không thể tiếp nhận phẫu thuật hay xạ trị.

ThS. BS. Trần Thị Chung – Khoa Ung bướu Bệnh viện Phổi Trung Ương

 

  1. Bray F, Ferlay J, Soerjomataram I, et al. Global cancer statistics 2018: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries. CA Cancer J Clin 2018; 68:394.
  2. Siegel RL, Miller KD, Jemal A. Cancer statistics, 2020. CA Cancer J Clin 2020; 70:7.
  3. Barnholtz-Sloan JS, Sloan AE, Davis FG, et al. Incidence proportions of brain metastases in patients diagnosed (1973 to 2001) in the Metropolitan Detroit Cancer Surveillance System. J Clin Oncol 2004; 22:2865.
  4. Schouten LJ, Rutten J, Huveneers HA, Twijnstra A. Incidence of brain metastases in a cohort of patients with carcinoma of the breast, colon, kidney, and lung and melanoma. Cancer 2002; 94:2698.
  5. Schuette W. Treatment of brain metastases from lung cancer: chemotherapy. Lung Cancer 2004; 45 Suppl 2:S253.

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM