Nghiên cứu về thực trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) chồng lấp Hen tại Việt Nam
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỉ lệ, các đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) chồng lấp hen theo định nghĩa của GINA và GOLD đồng thời đánh giá việc xác định và điều trị bệnh BPTNMT kèm triệu chứng hen trong thực hành lâm sàng so với các hướng dẫn trong khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học lâm sàng 09/2017, số 99, 253-60.
Đây là một nghiên cứu mô tả, cắt ngang được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu chính là PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan, bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh và GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong thời gian 2016 – 2017. Nghiên cứu do bộ phận y khoa công ty AstraZeneca phối hợp với công ty hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng Vietstar tiến hành tại Việt Nam. Bộ dữ liệu của nghiên cứu được phân tích bởi công ty ASK-CRE (Ấn Độ).
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong tổng số 300 bệnh nhân BPTNMT ngoại trú tới khám tại cơ sở điều trị, có 82 (27,3%) bệnh nhân được chẩn đoán BPTNMT chồng lấp hen với tỉ lệ nam chiếm 82,9% và đang hút thuốc lá chiếm 18,3%. Tiền sử gia đình mắc hen chiếm 11% ở các bệnh nhân ACO. Các bệnh nhân ACO có các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp (19,5%), viêm mũi dị ứng (15,9%), trào ngược dạ dày-thực quản (4,9%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (4,9%) và đái tháo đường (2,4%). Có 28,3% bệnh nhân ACO có tiền sử đợt kịch phát trong năm vừa qua với số đợt kịch phát trung bình là 2 đợt kịch phát/năm, số ngày nhập viện trung bình là 6,06 ngày/năm và nhập cấp cứu trung bình là 2,41 ngày/năm. Bệnh nhân nhóm ACO có triệu chứng nhiều (điểm CAT trung bình là 14,82; điểm mMRC trung bình là 2,09) và có số lượng bạch cầu ái toan trong máu trung bình là 462 tế bào/µl. Về chức năng hô hấp, bệnh nhân ACO có giá trị FEV1 tốt nhất trong 3 năm vừa qua là 65,93 ± 16,74 (% so với dự đoán) và có giá trị FEV1 trong lần đo gần nhất là 61,69 ± 16,13 (% so với dự đoán). Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh nhân ACO như sau: SABA (26,8%), SAMA (15,9%), SABA/SAMA (26,8%), LABA (2,4%), LAMA (29,3%), ICS/LABA (89,0%) và thuốc kháng leukotriene (28,0%).
Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định tỉ lệ bệnh nhân, các đặc điểm lâm sàng, và thực tế điều trị BPTNMT chồng lấp hen theo định nghĩa của GINA và GOLD (2016) ở những bệnh nhân BPTNMT ngoại trú tại Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ góp phần vào việc tối ưu hóa chiến lược quản lý, nâng cao việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân BPTNMT chồng lấp hen trên thực hành lâm sàng hiện tại.
(Tạp chí y học lâm sàng, 09/ 2017, số 99, 253-60; ISSN 1859-3593)
Từ viết tắt:
. COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease – Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
. ACO: Asthma COPD overlap – Chồng lấp Hen BPTNMT
. FEV1: Forced Expiratory Volume during 1st second – Thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu
. CAT: COPD Assessment Test – Thang điểm triệu chứng
. mMRC Modified Medical Research Council – Thang điểm khó thở
. ICS: Corticoid dạng hít
. SABA: Short – acting beta2 agonist –Tthuốc cường β2 adrenergic tác dụng ngắn
. SAMA: Short – acting muscarinic receptor antagonist – Thuốc kháng thụ thể muscarinic tác dụng ngắn
. LABA: Long acting beta2 agonist – thuốc cường β2 adrenergic tác dụng dài
. LAMA: Long-acting muscarinic receptor antagonist – Thuốc kháng thụ thể muscarinic tác dụng dài
. GINA: Global Initiative for Asthma – Chiến lược toàn cầu về Hen phế quản
. GOLD: Global Initiative for chronic Obstructive Lung Disease – Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Tin khác đã đăng
- CHĂM SÓC TRẺ EM HEN (≤ 5 TUỔI) ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ 30/04/2024
- CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI 29/05/2023
- CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI 29/05/2023
- CHĂM SÓC TRẺ EM HEN (≤ 5 TUỔI) ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ 30/04/2023
- HEN PHẾ QUẢN VÀ COVID-19 (BÀI VIẾT DÀNH CHO NHÂN VIÊN Y TẾ) 13/03/2023