SỬ DỤNG MÁY KHÍ DUNG Ở TRẺ EM



Khí dung là gì? Khí dung là dạng “treo” của chất rắn hay chất lỏng trong chất khí, các hạt này đủ nhỏ để tồn ...

Khí dung là gì?

Khí dung là dạng “treo” của chất rắn hay chất lỏng trong chất khí, các hạt này đủ nhỏ để tồn tại ở trạng thái “lơ lửng” trong một thời gian đủ dài.

Liệu pháp khí dung là một trong những phương pháp điều trị một số bệnh hô hấp ở trẻ em. Đường hô hấp là cửa ngõ quan trọng để đưa thuốc vào cơ thể. Bề mặt đường thở và phế nang lớn cho phép thuốc phân tán nhanh chóng, dễ dàng.

Khí dung có nhiều ưu điểm: thuốc được đưa trực tiếp vào đường thở mà không xâm lấn, không gây đau; thuốc tác dụng nhanh chóng và hiệu quả, liều lượng thuốc thấp hơn đường toàn thân, và hạn chế tác dụng phụ1.

Máy phun khí dung

Hiện có 3 loại máy phun khí dung (PKD): máy PKD khí nén, máy PKD siêu âm và máy PKD lưới rung. Máy PKD khí nén là loại phổ biến nhất, giá cả vừa phải và tương đối dễ sử dụng. Máy PKD siêu âm và máy PKD lưới rung là những loại máy hiện đại hơn, có một số ưu điểm (tạo hạt khí dung mịn hơn, máy chạy êm hơn) nhưng đắt tiền hơn, bảo trì khó hơn. Bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn giúp bạn chọn loại máy phù hợp.

Trước khi sử dụng máy phun khí dung, hãy nhớ đọc tất cả các hướng dẫn của máy. . Bạn cũng có thể chia sẻ hướng dẫn này với các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc ban ngày hoặc người giữ trẻ, đảm bảo rằng họ biết cách sử dụng máy phun khí dung cho trẻ khi cần. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về cách sử dụng máy phun khí dung, hãy liên hệ với bác sĩ của con bạn hoặc nhà sản xuất.

Cách sử dụng máy phun khí dung1,2

  1. Rửa tay: bắt đầu bằng việc rửa tay trên 20 giây bằng xà phòng dưới vòi nước và lau khô bằng bằng khăn sạch.
  2. Chuẩn bị thuốc: Đối với thuốc đã được pha sẵn: mở ống thuốc, cho vào bầu phun. Đối với thuốc cần pha: hút thuốc vào bơm tiêm, bơm vào bầu phun, có thể thêm nước muối sinh lý sao cho tổng lượng dịch trong bầu phun là 3-4 ml.
  3. Gắn mặt nạ hoặc ống ngậm.
  4. Gắn ống vào máy phun khí dung.
  5. Nối máy nén với nguồn điện. Đặt mặt nạ lên mặt che kín mũi-miệng trẻ. Nếu sử dụng ống ngậm, đặt ống ngậm giữa hai hàm, bảo trẻ ngậm môi chặt ống. Bật công tắc và sử dụng.
  6. Bảo trẻ hít thở chậm bằng miệng trong quá trình sử dụng máy phun khí dung.
  7. Khi thấy không còn sương trong mặt nạ hoặc ống ngậm, gõ nhẹ 3-4 cái vào bầu phun để xem có còn sương phun ra tiếp hay không, nếu không còn sương phun ra thì liều thuốc đã hết. Lấy mặt nạ ra khỏi mặt hoặc lấy ống ngậm ra khỏi miệng trẻ, tắt máy.
  8. Lau mặt trẻ bằng khăn ấm, ẩm. Rơ miệng hoặc cho trẻ súc miệng nếu dùng corticoid khí dung. Vệ sinh máy bằng cách rửa sạch mặt nạ và bầu phun trong nước ấm, lấy ra lắc nhẹ cho ráo nước rồi để khô trên khăn giấy hoặc khăn vải.

Lưu ý vệ sinh dụng cụ:

  • Hai lần một tuần, ngâm mặt nạ và bầu phun trong dung dịch chứa 1 cốc dấm trắng và 3 cốc nước trong 30 phút, rửa lại bằng nước ấm rồi để khô trên khăn giấy hoặc khăn vải.
  • Không cần rửa dây nối. Nếu thấy có nước trong dây nối, bật máy nén lên để thổi hết nước ra khỏi dây nối.
  • Nên thay bầu phun mỗi 6-12 tháng.

Mẹo cho trẻ em 

Kiểm soát bệnh hen ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể khó khăn. Đôi khi con bạn có thể bực bội, tức giận hoặc buồn bã vì chúng không được hoạt động nhiều như thường ngày để tránh khởi phát cơn hen khi gắng sức. Điều trị bằng máy phun khí dung cũng có thể mang lại nhiều khó khăn, trẻ nhỏ còn có thể sợ hãi trước sự xuất hiện của máy hay mặt nạ và tiếng ồn của thiết bị, nhưng có những thủ thuật có thể làm cho toàn bộ quá trình dễ chịu hơn đối với trẻ. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn kiểm soát bệnh hen để con bạn có thể cảm thấy tốt hơn và vui vẻ, năng động hơn.

Làm cách nào để điều trị bệnh hen của con tôi tại nhà?

  1. Làm cho mặt nạ khí dung trở nên đặc biệt thu hút trẻ: 
  • Làm cho mặt nạ không còn “đáng sợ” nữa mà trở nên đặc biệt thu hút trẻ bằng cách trang trí nó bằng các hình dán hoặc trang trí vui nhộn, đặt tên vui nhộn cho máy xông khí dung.
  • Đóng vai: giả vờ với con bạn rằng con bạn là lính cứu hỏa, phi hành gia, phi công hoặc người ngoài hành tinh khi chiếc mặt nạ được tiếp tục và chơi cùng bé trong quá trình điều trị.
  1. Làm cho trẻ tham gia nhiều hơn vào quá trình điều trị:
  • Nếu có thể, hãy cho trẻ tham gia vào việc lựa chọn. Có một số mẫu máy phun khí dung thân thiện với trẻ em.
  • Để con bạn “phụ trách” việc phun khí dung bằng cách tự đeo mặt nạ hoặc bật và tắt máy dưới sự giám sát của bạn.
  1. Làm cho quá trình điều trị thành một phần của thói quen hằng ngày
  • Sử dụng máy phun khí dung vào cùng một thời điểm mỗi ngày để con bạn biết điều gì sẽ xảy ra.
  • Thử phun khí dung như một phần của thói quen buổi sáng giữa ăn sáng và đánh răng cho con bạn.

Tôi có thể làm gì để chăm sóc con tôi bị hen?*

  • Theo dõi bé trong quá trình trẻ hoạt động và có sẵn thuốc cấp cứu tại nhà.
  • Với trẻ lớn: đảm bảo rằng bé nhận biết được các dấu hiệu của cơn hen và cách đối phó.
  • Nếu bé đang ở nhà trẻ hoặc trường học, hãy đảm bảo rằng y tá, giáo viên và bảo mẫu biết về bệnh hen của bé, có thể nhận ra các dấu hiệu của cơn hen và có thể ứng phó khi cần thiết.
  • Đảm bảo rằng bé có thời gian khởi động kĩ càng, khoảng 5 đến 10 phút duỗi người và hoạt động nhẹ trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động mạnh nào. Kiểm soát nhiệt độ cơ thể cũng quan trọng không kém và việc giữ cho bé được cung cấp đủ nước cũng vậy.
  • Thực hiện các bước này sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn và giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và các đợt cấp hen.

 Tôi có thể làm gì để giúp con tôi ngủ ngon hơn?*

  • Giữ môi trường phòng ngủ sạch sẽ.
  • Đảm bảo thay ga trải giường thường xuyên, giặt mền cũng như bao gối bằng nước nóng và lau kệ, gờ hoặc đồ nội thất gần đó để giảm thiểu bụi. Đừng để bé ngủ cùng phòng với vật nuôi.
  • Chọn khăn trải giường không gây dị ứng. Đảm bảo gối có vỏ bọc và tìm vật liệu không gây dị ứng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm. Giữ không khí ẩm trong phòng của trẻ bằng máy làm ẩm.
  • Nếu trẻ thường xuyên bị các triệu chứng hen vào ban đêm, hãy gọi cho bác sĩ của bé để trao đổi về việc điều chỉnh kế hoạch điều trị của chúng. Đôi khi thuốc sử dụng để quản lý hen cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ. Hãy chắc chắn trao đổi với bác sĩ của bé nếu bé bị mất ngủ từng cơn khi đang dùng thuốc hen.

Trái cây và rau cần được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.*

  • Rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất có thể giúp hỗ trợ chức năng phổi khỏe mạnh. Bông cải xanh, rau chân vịt và bí là những loại rau quả giàu chất dinh dưỡng nhất vì chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như Vitamin C, E và bioflavonoid. Cũng giống như rau, trái cây có các vitamin và khoáng chất cần thiết cho chức năng phổi khỏe mạnh. Trái kiwi đặc biệt hữu ích khi bị hen vì chứa nhiều Vitamin C và táo có chứa bioflavonoid gọi là quercetin, có thể giúp giảm viêm.

Giữ cho con bạn đủ nước.  

  • Mất nước có thể dẫn đến giữ nước và viêm nhiễm, cả hai đều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen. Cung cấp đủ nước giúp cơ thể hoạt động mượt mà hơn và phổi hoạt động tốt hơn. Chọn nước thay vì nước trái cây hoặc soda cũng có thể giúp trẻ tránh việc tiêu thụ quá nhiều đường.

Khi đi du lịch với con bạn. 

  • Khi trẻ bị hen thì không nên ngăn trẻ em tận hưởng kỳ nghỉ bên gia đình. Với kế hoạch cẩn thận, trẻ có thể nhận được tất cả những lợi ích khi đi xa nhà. Trước khi đi du lịch, hãy đảm bảo rằng bệnh hen của bé được kiểm soát tốt. Nếu nó trở nên tồi tệ hơn, hãy kiểm tra với bác sĩ. Con bạn có thể cần thay đổi loại thuốc hoặc đến gặp bác sĩ trước khi khởi hành.

Những gì cần đóng gói khi đi du lịch*:

  • Thuốc men: Để thuốc cắt cơn nhanh (còn gọi là thuốc cấp cứu hay thuốc cắt cơn) và thuốc kiểm soát lâu dài (còn gọi là thuốc kiểm soát, thuốc ngăn ngừa hoặc thuốc duy trì) tiện dụng, không được để trong thùng xe. Nếu bạn đi bằng máy bay, hãy mang thuốc trong hành lý xách tay. Bằng cách này, bạn sẽ có ngay thuốc nếu cần trong chuyến bay hay trong trường hợp hành lý ký gửi bị thất lạc. Thay đổi múi giờ có thể ảnh hưởng lớn lên bệnh hen của con bạn. Trong khi đi du lịch, hãy cố gắng để bé dùng thuốc vào giờ bình thường như khi ở nhà. Khi đến một múi giờ khác, hãy điều chỉnh thời gian theo đồng hồ địa phương.
  • Máy phun khí dung: Nếu con bạn đã sử dụng máy tại nhà, bạn có thể muốn có thêm một máy dễ dàng mang theo. Nhiều loại trong số này có thể được cắm vào ổ cắm điện phụ kiện của ô tô. Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, hãy đảm bảo rằng bạn có bộ chuyển đổi ổ cắm – phích cắm phù hợp để sử dụng khi cần.
  • Dụng cụ đo lưu lượng đỉnh: nếu con bạn có sử dụng.

TÌM MÁY KHÍ DUNG Ở ĐÂU

  • Nếu con bạn bị hen, bác sĩ có thể trao đổi với bạn về phương pháp điều trị bằng khí dung.
  • Cùng với việc giúp trẻ dễ hít thuốc, máy phun khí dung dành cho trẻ em giúp thuốc đi vào phổi nhanh, và khởi phát tác dụng nhanh so với đường toàn thân[1].
  • Một số loại thuốc yêu cầu sử dụng một loại máy phun khí dung cụ thể, vì vậy bạn nên trao đổi kỹ với dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi mua, ví dụ: máy phun khí dung siêu âm không tương thích với corticosteroid dạng hít3,4; đối với thuốc này cần có máy phun khí dung khí nén hoặc máy phun khí dung dạng lưới.

 TS.BS. TRẦN ANH TUẤN *

* Theo kinh nghiệm thực hành lâm sàng của Bác sĩ

  1. Đồng thuận Quốc gia về liệu pháp khí dung trong điều trị bênh lý Hô hấp thường gặp ở trẻ em. Hội Nhi khoa VN 2020
  2. Childhood Asthma, WebMD, Medically Reviewed by Hansa D. Bhargava, MD on January 08, 2021
  3. Ari A., Eurasian J Pulmonol 2014;16:1-7;
  4. Pulmicort Respules SmPC Sweden.

 

 

 

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM