THÔNG CÁO BÁO CHÍ “RA MẮT SÁNG KIẾN MỚI NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG TRONG KIỂM SOÁT HEN TẠI VIỆT NAM
Thông cáo Báo chí RA MẮT SÁNG KIẾN MỚI NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG TRONG KIỂM SOÁT HEN TẠI VIỆT NAM Hà Nội, ...
Thông cáo Báo chí
RA MẮT SÁNG KIẾN MỚI NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG TRONG KIỂM SOÁT HEN TẠI VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 2021 – Cục Quản Lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, cùng 3 Hội chuyên ngành và AstraZeneca Việt Nam khởi động Chương trình truyền thông “Bạn kiểm soát Hen hay Hen kiểm soát bạn” nhằm giúp nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát hen tại Việt Nam. Chương trình đặt mục tiêu giúp người bệnh tự đánh giá nguy cơ phụ thuộc thuốc cắt cơn hen của mình một cách nhanh chóng chỉ với 6 câu hỏi trên trang web https://vilaphoikhoe.kcb.vn và fanpage https://www.facebook.com/vilaphoikhoe. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị bệnh hô hấp sẽ được liên tục cập nhật trên hai kênh này, từ đó giúp người bệnh tự trang bị kiến thức để kiểm soát bệnh hen tối ưu hơn và chủ động tìm đến bác sỹ để được chăm sóc phù hợp.
Nỗ lực kiểm soát tốt bệnh hen tại Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản. Một trong những thách thức đáng kể là tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn). Thuốc cắt cơn tác dụng ngắn giúp bệnh nhân tạm thời giảm triệu chứng hen, nhưng việc chỉ sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm sự bảo vệ của phế quản, tăng phản ứng quá mức của đường thở dẫn đến nguy cơ vào đợt cấp hen phế quản. Điều này đã khiến Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh hen (Global Initiative for Asthma- GINA) khuyến nghị những thay đổi căn bản trong điều trị hen. Sau 30 năm, việc dùng thuốc cắt cơn đơn độc đã không còn được GINA khuyến cáo trong điều trị hen ở thiếu niên và người lớn. Hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế cũng cho thấy không nên sử dụng các loại thuốc cắt cơn đơn độc trong điều trị hen vì có thể làm tăng nguy cơ bệnh nhân vào đợt cấp hen phế quản, phải nhập viện cấp cứu hoặc nguy hiểm hơn là tăng nguy cơ tử vong do hen.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản Lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết: “Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính Phủ và ngành y tế Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành ”Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi” trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh. Thực hành lâm sàng trong điều trị hen tại Việt Nam đã dần bám sát hướng dẫn này, nhưng để cải thiện bình diện của việc kiểm soát hen đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý, các cơ sở khám chữa bệnh mà còn ý thức của cả cộng đồng. Thông qua các hoạt động truyền thông tại chuyên trang và fanpage Vì Lá Phổi Khỏe, chúng tôi kêu gọi sự vào cuộc của tất các bên trong công tác quản lý và kiểm soát hen phế quản, vì lợi ích của bệnh nhân và cả cộng đồng.”
Nhận định về thực trạng này, PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Theo dữ liệu sơ bộ từ chương trình SABINA được thực hiện tại nhà thuốc năm 2020 từ 14 tỉnh/thành phố ở Việt Nam cho thấy, có đến 68% bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên trong năm vừa qua. Theo nghiên cứu khoa học được đề cập trong GINA 2019, việc sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn/năm có thể tăng gấp 2 lần nguy cơ nhập viện(a). Sử dụng quá mức SABA liên quan đến các kết cục xấu như tăng phản ứng quá mức đường thở, giảm đáp ứng giãn phế quản(b), có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhập cấp cứu và có thể tăng nguy cơ tử vong(c). Vì lẽ đó, người bệnh và cộng đồng cần chủ động tìm hiểu cách thức quản lý bệnh hen trên các kênh truyền thông chính thống”.
(a): Standford et al. Ann Allergy Asthma Immunol. 2012 Dec;109(6):403-7
(b): Hancox et al. Respir Med. 2000 Aug;94(8):767-71
(c): Suissa et al. Am J Respir Crit Care Med.1994 Mar;149(3 Pt 1):604-10
Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh: “AstraZeneca mong muốn góp phần giảm tỷ lệ các Bệnh Không Lây Nhiễm (NCD) đặc biệt là các bệnh mạn tính hô hấp thông qua các sáng kiến đa dạng hợp tác với các đối tác y tế địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm cải thiện chất lượng kiểm soát bệnh hen, hỗ trợ các hoạt động nằm nâng cao nhận thức đúng về bệnh và hướng tới loại bỏ các cơn hen cấp có thể phòng ngừa được cho bệnh nhân, từ đó giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Với câu hỏi đặt ra “Bạn kiểm soát Hen, hay Hen kiểm soát bạn?”, chiến dịch truyền thông dành cho bệnh nhân và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ phụ thuộc thuốc cắt cơn hen đã bắt đầu bên cạnh chuỗi hoạt động cập nhật kiến thức diễn ra xuyên suốt năm 2020 cho cán bộ y tế để nắm bắt xu hướng điều trị hen mới nhất và phát hiện tình trạng lạm dụng thuốc cắt cơn ở bệnh nhân. Đây là các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác Vì Lá Phổi Khỏe, sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) tại 9 quốc gia Châu Á.
Năm 2017, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình Vì Lá Phổi Khỏe dưới sự hợp tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y Tế, ba hiệp hội chuyên ngành và AstraZeneca. Sau thành công của giai đoạn một, chương trình đã bước sang giai đoạn hai từ 2020 – 2023 với thêm lĩnh vực mở rộng là ung thư phổi, cùng hai kênh truyền thông chính thức: Trang thông tin điện tử https://vilaphoikhoe.kcb.vn và fanpage https://www.facebook.com/vilaphoikhoe.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam nhận xét: “Các khuyến cáo mới nhất về điều trị bệnh hen đều có điểm chung là lưu ý cần giải quyết vấn đề sử dụng quá mức thuốc cắt cơn tác dụng ngắn, tuân thủ việc điều trị duy trì bởi đó là giải pháp bền vững cho ngành y tế cũng như giảm thiểu chi phí và giúp bệnh nhân tránh được hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, vai trò của đội ngũ y tế tuyến cơ sở là rất quan trọng để giúp phát hiện sớm tình trạng lạm dụng thuốc cắt cơn ở bệnh nhân, giúp họ tránh được những hậu quả đáng tiếc”.
GS.TS. BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam nhận định: “Chương trình sức khỏe cộng đồng này đóng vai trò bước ngoặt trong công tác tuyên truyền nhận thức về bệnh hen, để các thông tin không chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ y tế, mà còn giúp nâng cao nhận thức nơi cộng đồng. Tôi tin rằng đây là một sáng kiến hiệu quả và thiết thực để nâng tầm chất lượng điều trị bệnh hen tại Việt Nam”.
PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với kinh nghiệm điều trị tại Bệnh viện qua nhiều năm, tôi hiểu rất nhiều bệnh nhân rất “gắn bó” với bình xịt cắt cơn của họ, nhầm tưởng rằng đây là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng hen. Tuy nhiên, chỉ cần sử dụng thuốc cắt cơn quá 3 lần/tuần đã là dấu hiệu tăng nguy cơ của đợt hen cấp. Chúng tôi hy vọng người bệnh hen nhận ra việc phụ thuộc quá mức thuốc cắt cơn sẽ làm tăng nguy cơ lên cơn hen cấp, thậm chí có thể dẫn đến các hậu quả đáng tiếc mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Tin khác đã đăng
- CHĂM SÓC TRẺ EM HEN (≤ 5 TUỔI) ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ 30/04/2024
- CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI 29/05/2023
- CÁCH XỬ TRÍ CƠN HEN PHẾ QUẢN CẤP CHO TRẺ DƯỚI 5 TUỔI 29/05/2023
- CHĂM SÓC TRẺ EM HEN (≤ 5 TUỔI) ĐÚNG CÁCH TẠI NHÀ 30/04/2023
- HEN PHẾ QUẢN VÀ COVID-19 (BÀI VIẾT DÀNH CHO NHÂN VIÊN Y TẾ) 13/03/2023