Các câu hỏi thường gặp về bệnh hen suyễn



1.   Tôi thấy một số người mách uống thuốc nam sẽ khỏi bệnh Hen, nhờ bác sĩ tư vấn? Đến nay, chưa có chứng cứ ...

1.   Tôi thấy một số người mách uống thuốc nam sẽ khỏi bệnh Hen, nhờ bác sĩ tư vấn?

Đến nay, chưa có chứng cứ khoa học cho thấy thuốc nam có thể chữa khỏi hẳn bệnh hen được. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp được truyền miệng từ người này sang người khác. Nguyên nhân là bệnh hen có một đặc tính là hay biến đổi theo thời gian và có thể hoàn toàn không có triệu chứng trong một thời gian dài. Ví dụ một em bé lúc nhỏ bị hen, khi lớn lên thì triệu chứng hen dần dần biến mất và em bé được mọi người nói là khỏi hẳn hen. Khỏi hẳn hen như vậy là do đặc tính của bản thân bệnh hen là như vậy chứ không phải do điều trị. Nếu vì một sự ngẫu nhiên tình cờ mà vào thời điểm đó em bé được cho dùng một thuốc nào đó, thuốc nam chẳng hạn và sau đó không còn triệu chứng nữa, mọi người sẽ cho rằng thuốc nam có thể chữa khỏi hẳn hen, mọi người bắt chước dùng theo, nhưng nhiều người dùng mà chỉ có rất ít người khỏi hẳn như thế. Chứng cứ này cho thấy khỏi hẳn hen là do trùng hợp chứ không phải do tác dụng của thuốc. Ngay cả các thuốc tây y như corticoid cũng không thể chưa khỏi bệnh hen mà chỉ có thể kiểm soát tốt triệu chứng hen mà thôi.

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

2.    Tôi dùng lâu dài các thuốc xịt, hít như vậy có nguy cơ gì không?

Hen là bệnh lý hô hấp mạn tính, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị với các thuốc xịt. Khi sử dụng đúng liều được kê toa sẽ kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ các đợt kịch phát tương lai.

Các thuốc xịt, hít trong điều trị Hen thường là corticoid hít; thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, và tác dụng kéo dài… Bên cạnh hiệu quả điều trị đem lại thì bất kể một thuốc nào cũng sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, liều lượng thuốc xịt do đưa thẳng vào đường hô hấp nên chỉ cần một lượng hít rất thấp so với dạng uống hay dạng tiêm. Thuốc corticoid dạng xịt nếu súc họng kỹ, dùng đúng liều như chỉ định thì rất ít tác dụng phụ. Các thuốc dãn phế quản có thể làm tăng nhịp tim ở một số ít bệnh nhân.

Đáp ứng thuốc còn tùy thuộc vào cá thể, do đó, nếu trong quá trình điều trị bệnh nhân cảm thấy mình có những triệu chứng bất thường thì nên trao đổi với bác sĩ để có xử trí và điều trị phù hợp.

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

3.    Khi thấy khó thở hoặc có dấu hiệu lên cơn hen tôi nên làm gì?

Cách xử trí khi thấy khó thở hoặc có dấu hiệu lên cơn hen cấp:

  • Nếu tại nhà có thuốc xịt thì ưu tiên hàng đầu là thuốc giãn phế quản dạng hít Ventolin (salbutamol) MDI, xịt từng nhát một và hít sâu vào mỗi lần 2 nhát. Sau 20 phút chưa giảm tiếp tục 2 nhát nữa và sau 20 phút nữa vẫn chưa giảm tiếp tục xịt 2 nhát nữa. Lưu ý, nếu trong 1 giờ đã dùng 6 nhát xịt mà không giảm thì phải đi cấp cứu ngay
  • Trong trường hợp dùng Symbicort (Budesonide/Formoterol) thì hít 1 nhát mỗi lần. Nếu triệu chứng vẫn còn sau vài phút, nên dùng thêm 1 liều hít nữa. Không dùng quá 6 liều hít trong 1 lần. Cách này chỉ áp dụng cho bệnh nhận trên 18 tuổi đang được kể toa Symbicort điều trị duy trì và cắt cơn.
PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

4.   Tôi bị hen, khi có triệu chứng khó thở và sử dụng liều hít thêm của liệu pháp Symbicort (Budesonide/Formoterol) SMART thì cần hít bao nhiêu liều, sau bao lâu sẽ phát huy tác dụng?

   Liều dùng theo thông tin kê toa: Theo thông tin kê toa được Bộ Y Tế phê duyệt, bệnh nhân (≥ 18 tuổi) dùng liệu pháp Symbicort SMART được khuyến cáo dùng:

Liều duy trì: tùy chỉ định của bác sĩ hoặc 2 hít/ngày (một liều hít buổi sáng và 1 liều hít buổi tối, hoặc 2 liều hít vào buổi sáng hay buổi tối) Hoặc: 4 hít/ngày (2 hít buổi sáng, 2 hít buổi tối)

Liều cắt cơn: Dùng thêm 2 liều hít khi có các triệu chứng Hen như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực trở nặng. Nếu triệu chứng vẫn còn sau vài phút, nên dùng thêm 1 liều hít nữa. Liều tối đa trong dùng thêm khi cần: Bệnh nhân được khuyến cáo không dùng quá 6 hít khi cần cho 1 ngày. Nếu sau khi đã dùng 6 liều hít trong 1h mà triệu chứng vẫn nặng thì phải nhập cấp cứu ngay.

Khi cộng số lần tối đa hít thêm khi cần này với liều duy trì (tối đa 4 hít/ngày), thì tổng liều/ngày thông thường không quá 12 hít/ngày. Vậy, trong 1 số ít trường hợp, khi BN có triệu chứng diễn tiến xấu, mức liều cao nhất cho phép là 12 hít Symbicort/ngày (cả liều duy trì lẫn liều cắt cơn).

Tổng liều mỗi ngày thông thường không quá 8 hít; tuy nhiên tổng liều mỗi ngày lên đến 12 hít có thể dùng trong một khoảng thời gian giới hạn. Bệnh nhân dùng hơn 8 hít/ngày phải đi khám lại. Những bệnh nhân này nên được đánh giá lại và xem xét lại liệu pháp duy trì.

Tài liệu tham khảo: Thông tin kê toa sản phẩm Symbicort

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

5.  Hen có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ con thưa bác sĩ?

Hen suyễn ở trẻ là tình trạng đường dẫn khí bị viêm mạn tính gây phù nề và chít hẹp đường thở làm cho trẻ khó thở và thở khò khè. Trẻ bị hen suyễn thường xảy ra những cơn co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy trong niêm mạc phế quản, cản trở sự lưu thông của đường khí nên trẻ càng trở nên khó thở. Mức độ khó thở phụ thuộc vào sự co thắt của phế quản và sự bài tiết của dịch nhầy. Trẻ bị hen suyễn rất nhạy cảm với các chất kích thích như lông vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết, khói bụi… Hen suyễn là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nên các bậc phụ huynh cần lưu tâm để kịp thời điều trị và ngăn chặn sự tấn công của hen suyễn tới con em mình.

Ảnh hưởng của hen đến trẻ còn tùy thuộc vào mức độ hen mà trẻ mắc phải:

– Cơn hen nhẹ và ngắt quãng: các cơn hen thỉnh thoảng mới xuất hiện và thường xảy ra vào ban ngày khoảng 1 tuần/lần. Trẻ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường.

– Cơn hen nhẹ nhưng kéo dài dai dẳng: các cơn hen xảy ra ở mức độ nhẹ, thường diễn ra vào ban ngày và dưới 1 tuần/lần.

– Cơn hen trung bình và dai dẳng: các cơn hen xảy ra vào ban ngày, ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ.

– Cơn hen nặng và dai dẳng: các cơn hen diễn ra thường xuyên và kéo dài, hạn chế các hoạt động vui chơi và thể lực của trẻ. Những cơn hen còn thường xuất hiện vào ban đêm khiến trẻ khó ngủ và quấy khóc. Trẻ bị hen nếu không điều trị sẽ không vui chơi và ngủ yên giấc vì vậy sẽ chậm phát triển, nhưng nếu điều trị tốt, tre có thể phát triển, vui chơi, sinh hoạt như các trẻ khác.

– Cơn hen ác tính: Các cơn hen diễn ra thường xuyên, hàng ngày và nặng hơn về chiều và đêm làm trẻ khó thở nhưng không có hiện tượng sốt và có thể gây tử vong

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

6.   Bệnh Hen của tôi có chữa hết không?

Hen là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp, và cho đến nay chưa có loại thuốc nào chữa trị dứt điểm bệnh hen nhưng giúp kiểm soát bệnh. Bệnh nhân tuân thủ điều trị và tránh tiếp xúc với các yếu tố khởi phát thì hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh Hen và bệnh nhân Hen có thể sống bình thường, tích cực, có thể làm việc, vui chơi, đi học, và có thể ngủ ngon về đêm.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

7.   Tôi uống thuốc thôi không dùng thuốc hít xịt có được không? (do các bệnh nhân ở tuyến quận huyện thường được cho thuốc uống?)

Hen là bệnh lý hô hấp mạn tính, đòi hỏi phải điều trị với thuốc lâu dài. Đối với điều trị Hen thì thuốc dùng qua đường hít – xịt đóng vài trò quan trọng và sẽ có hiệu quả hơn thuốc toàn thân (đường uống, đường tiêm) với tác dụng phụ ít hơn.

Trong trường hợp các bệnh viện quận huyện không có thuốc dạng hít – xịt thì bệnh nhân nên chuyển lên tuyến trên hoặc tự chi trả để có liệu pháp điều trị hiệu quả và tốt nhất.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

8.   Tôi chỉ sử dụng thuốc xịt nhưng có cảm giác bị run rẩy không biết có phải do thuốc không, tôi nên làm gì?

Khi sử dụng các thuốc xịt có chứa thành phần giãn phế quản có chứa thành phần chủ vận bêta-2 thì có thể gặp các phản ứng phụ có thể dự báo trước về mặt dược lý của thuốc như run rẩy và hồi hộp. Các phản ứng phụ này thường nhẹ và biến mất sau vài ngày điều trị.

Trong trường hợp các tác dụng phụ này kéo dài và/hoặc nghiêm trọng thì bệnh nhân cần dừng thuốc và tái khám bác sĩ.

Tài liệu tham khảo:
Thông tin kê toa sản phẩm Seretide, Symbicort, Ventoline
GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

9.  Tôi đã ổn định bệnh, 6 tháng nay không có cơn Hen, tôi có thể dừng sử dụng thuốc không?

Khi điều trị hen đã bắt đầu, quyết định điều trị dựa vào chu kì đánh giá, điều chỉnh và xem lại đáp ứng. Thuốc kiểm soát được điều chỉnh, nâng lên hoặc hạ xuống theo phương pháp từng bậc để đạt được kiểm soát triệu chứng tốt, giảm thiểu nguy cơ các đợt kịch phát trong tương lại, giới hạn luồng khí thở cố định và tác dụng phụ của thuốc. Khi kiểm soát triệu chứng tốt được duy trì trong 2-3 tháng, hạ bậc điều trị để tìm ra cách điều trị tối thiểu hữu hiệu của bệnh nhân.

Cần lưu ý rằng:

  • Việc tự ý ngưng đột ngột thuốc phòng ngừa đôi khi có thể là yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân lên cơn nặng, thậm chí nguy kịch nữa.
  • Ngay trong trường hợp tốt nhất, liều điều trị ban đầu thông thường sẽ được duy trì trong vài tháng (1,3 hay 6 tháng tùy trường hợp). Sau đó sẽ giảm liều (chuyển sang dùng 1 lần / ngày chẳng hạn) tiếp trong vài tháng (thường ít nhất 3-6 tháng).
  • Chỉ có thể ngưng thuốc nếu đã kiểm soát được hen ít nhất 1 năm và đang ở liều điều trị thấp nhất ít nhất là 1 năm. Chính vì thế mọi việc giảm liều, ngưng thuốc không đơn giản chút nào phải không bạn và cần được thực hiện cẩn thận với sự chỉ định và theo dõi đúng mức của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo :
Chiến lược toàn cầu Xử trí và phòng ngừa Hen phế quản
GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

10.   Có thể sử dụng Symbicort (Budesonide/Formoterol) hoặc Seretide (Fluticasone/Salmeterol) để phòng triệu chứng hen sau khi làm việc mệt hay gắng sức không?

Symbicort (Budesonide/Fromoterol) hoặc Seretide (Fluticasone/Salmeterol) là phối hợp ICS/LABA (corticosteroid dạng hít và chất chủ vận bêta-2 có tác dụng dài), là thuốc kiểm soát trong điều trị Hen mức độ trung bình đến nặng (GINA: Hen từ bậc 3 đến bậc 5). Dùng Symbicort hoặc Seretide để phòng ngừa triệu chứng ví dụ như trước khi tập luyện thể thao, sau khi làm việc mệt chưa được nghiên cứu. Theo thông tin kê toa được Bộ y tế phê duyệt thì Symbicort hoặc Seretide không có chỉ định phòng triệu chứng  sau khi làm việc mệt hay gắng sức.

Để sử dụng với các mục như thế này, nên xem xét dùng thuốc giãn phế quản nhanh như Ventolin (salbutamol) 15 – 30 phút trước khi tập luyện, thuốc này sẽ có tác dụng kéo dài 4 – 6 giờ, chúng có thể ngăn ngừa và giảm các triệu chứng cấp gây ra khi gắng sức:

. Người lớn: 200 µg trước khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc gắng sức

. Trẻ em: 100 µg trước khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc gắng sức. Có thể tăng liều lên đến mcg nếu cần.

Tài liệu tham khảo: Thông tin kê toa sản phẩm Symbicort (Budesonide/Formoterol), Seretide (Fluticasone/Salmeterol), Ventolin (Salbutamol)
PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

11.   Làm thế nào để tránh/giảm lên cơn hen?

Sử dụng thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ rất cần thiết để duy trì tình trạng ổn định của bệnh và phòng tránh các đợt cấp.

Ngoài ra, đối với bệnh Hen, bạn cần các yếu tố kích phát cơn hen thường gặp nhất là:

  • Thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, lạnh sang nóng, mùa khô sang mùa mưa và ngược lại.
  • Nhiễm trùng hô hấp trên do vi rút (cúm) hay vi khuẩn.
  • Tiếp xúc môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, bụi bặm. Tiếp xúc dị nguyên, kể cả thức ăn dị ứng.
  • Gắng sức thể lực, căng thẳng tâm lý.
PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM