Các câu hỏi thường gặp về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)



Tôi dùng lâu dài các thuốc xịt, hít như vậy có nguy cơ gì không? Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý ...

  1. Tôi dùng lâu dài các thuốc xịt, hít như vậy có nguy cơ gì không?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị với các thuốc xịt. Khi sử dụng đúng liều được kê toa sẽ kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ các đợt kịch phát tương lai.

Các thuốc xịt, hít trong điều trị COPD thường là corticoid hít; thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, và tác dụng kéo dài… Bên cạnh hiệu quả điều trị đem lại thì bất kể một thuốc nào cũng sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, liều lượng thuốc xịt do đưa thẳng vào đường hô hấp nên chỉ cần một lượng hít rất thấp so với dạng uống hay dạng tiêm. Thuốc corticoid dạng xịt nếu súc họng kỹ, dùng đúng liều như chỉ định thì rất ít tác dụng phụ. Các thuốc dãn phế quản có thể làm tăng nhịp tim ở một số ít bệnh nhân.

Đáp ứng thuốc còn tùy thuộc vào cá thể, do đó, nếu trong quá trình điều trị bệnh nhân cảm thấy mình có những triệu chứng bất thường thì nên trao đổi với bác sĩ để có xử trí và điều trị phù hợp.

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

     2.  Khi thấy khó thở hoặc có dấu hiệu lên cơn cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tôi nên làm gì?

  • Xử trí cơn cấp COPD:

Cơn cấp (hay còn gọi là đợt kịch phát) đôi khi được điều trị tại nhà với thuốc steroid hít kéo dài hơn 2 ngày và/hoặc kháng sinh, nhưng nếu các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng, bạn cần phải đến bệnh viện ngay. Điều trị một đợt cấp chủ yếu là bằng thuốc để kiểm soát sự sưng phù và co thắt trong phổi. Sưng phù được điều trị bằng steroid viên hoặc tiêm tĩnh mạch. Trong bệnh viện, bạn cũng có thể được cho thuốc dãn phế quản dạng hít hoặc dạng phun để làm dãn sự co thắt chung quanh đường thở. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể được cho kháng sinh.

  • Chức năng chính của phổi là cung cấp oxy cho cơ thể và thải carbonic khỏi cơ thể. Đợt cấp có thể tác động vào việc này, do đó bạn cần thêm oxy hoặc máy thở để giúp bạn thở tốt hơn. Nếu đợt cấp của bạn nặng, bạn có thể được cho nhập khoa săn sóc đặc biệt và cần đến máy thở.
PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM

    3.  Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) của tôi có chữa hết không?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng là bệnh lý viêm mạn tính của đường hô hấp với triệu chứng điển hình là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức, bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian với những cơn cấp nặng với triệu chứng ho, đờm mủ, khó thở tăng lên. COPD diễn tiến mạn tính ngày càng nặng dần lên, không thể điều trị khỏi hẳn được nhưng có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm đợt cấp và giảm tử vong.

Đến gặp bác sỹ sớm để được khám bệnh, đo chức năng hô hấp, tham gia chương trình phối hợp điều trị COPD bao gồm phòng tránh các yếu tố nguy cơ trong đó có cai thuốc lá, tiêm ngừa cúm, tiêm ngừa viêm phổi, sử dụng các liệu pháp điều trị bằng thuốc, phục hồi chức năng hô hấp, sử dụng liệu pháp oxy tại nhà, … thì bệnh nhân COPD vẫn có thể có chất lượng cuộc sống tốt.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

    4.   Tôi uống thuốc thôi không dùng thu ốc hít xịt có được không? (do các bệnh nhân ở tuyến quận huyện thường được cho thuốc uống?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính, đòi hỏi phải điều trị với thuốc lâu dài. Đối với điều trị COPD thì thuốc dùng qua đường hít – xịt đóng vài trò quan trọng và sẽ có hiệu quả hơn thuốc toàn thân (đường uống, đường tiêm) với tác dụng phụ ít hơn.

Trong trường hợp các bệnh viện quận huyện không có thuốc dạng hít – xịt thì bệnh nhân nên chuyển lên tuyến trên hoặc tự chi trả để có liệu pháp điều trị hiệu quả và tốt nhất.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

    5.   Tôi chỉ sử dụng thuốc xịt nhưng có cảm giác bị run rẩy không biết có phải do thuốc không, tôi nên làm gì?

Khi sử dụng các thuốc xịt có chứa thành phần giãn phế quản có chứa thành phần chủ vận bêta-2 thì có thể gặp các phản ứng phụ có thể dự báo trước về mặt dược lý của thuốc như run rẩy và hồi hộp. Các phản ứng phụ này thường nhẹ và biến mất sau vài ngày điều trị.

Trong trường hợp các tác dụng phụ này kéo dài và/hoặc nghiêm trọng thì bệnh nhân cần dừng thuốc và tái khám bác sĩ.

Tài liệu tham khảo:
Thông tin kê toa sản phẩm Seretide, Symbicort, Ventoline
GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

 6.   Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), vào buổi sáng, khi phối hợp Symbicort (Budesonide/Formoterol) và Spiriva (Tiotropium) thì nên sử dụng thuốc nào trước? Và sau bao lâu sử dụng thuốc tiếp theo?

Một số bệnh nhân COPD sẽ được chỉ định phối hợp Symbicort (Budesonide/Formoterol) với Spiriva (tiotropium) để kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ đợt cấp trong tương lai. Hiện tại, chưa có dữ liệu về tương tác thuốc khi sử dụng Symbicort (Budesonide/Formoterol) cùng với Sprivira (tiotropium).

Mặc dù chưa tiến hành nghiên cứu tương tác thuốc chính thức, tiotropium bromide đã được dùng với các thuốc điều trị COPD phổ biến khác, bao gồm các thuốc giãn phế quản cường giao cảm, methylxanhine, steroid uống và hít, mà không thấy bằng chứng tương tác thuốc trên lâm sàng.

Các thuốc thường dùng kết hợp (LABA/ICS và kết hợp của chúng) được sử dụng cho bệnh nhân COPD chưa được phát hiện gây thay đổi nồng độ Tiopotrium

Thông tin kê toa cho chỉ định điều trị COPD thì:

Spiriva (Tiotropium): 2 hít/lần x 1 lần/ngày

Symbicort (Budesonide/Formoterol): 2 hít/lần x 2 lần/ngày

Đối với Spiriva (Tiotropium) thì bệnh nhân nên hít vào một giờ nhất định trong ngày. Tương tự Symbicort (Bud/For) cũng nên hít vào những khung giờ cố định trong ngày, và 2 lần hít nên cách nhau 12 tiếng.

Tài liệu tham khảo:
Thông tin kê toa Symbicort và Spiriva tại Việt Nam

https://www.drugs.com/interactions-check.php?drug_list=2202-16896,432-2530

PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM