Điều trị hen phế quản trong giai đoạn thai kỳ



Thai kì là một giai đoạn đặc biệt đối với những người làm cha mẹ, nhưng phụ nữ bị hen có thể lo lắng bệnh ...

Thai kì là một giai đoạn đặc biệt đối với những người làm cha mẹ, nhưng phụ nữ bị hen có thể lo lắng bệnh hen của họ ảnh hưởng đến thai nhi. Hen phế quản ở phụ nữ có thai tương đối phổ biến, chiếm khoảng 3-8% phụ nữ mang thai1,2 và có thể xảy ra ở những người không bị mắc hen trước đó.  Hen và thai kỳ có thể tác động qua lại lẫn nhau qua nhiều cơ chế sinh bệnh học khác nhau. Ngoài ra, lo ngại tác dụng phụ của thuốc điều trị nên phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thường ngưng/giảm thuốc điều trị hen. Tuy nhiên, lợi ích của việc dùng thuốc đúng cách cao hơn nhiều so với nguy cơ do hen mất kiểm soát gây ra.

Thai kỳ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh hen như thế nào?

Nghiên cứu cho thấy trong quá trình mang thai có ảnh hưởng đến tình trạng kiểm soát hen của người mẹ. Cụ thể:

Hình 1. Thay đổi mức độ nặng của bệnh hen trong thời kì mang thai3

 

Đợt kịch phát hen cũng thường gặp trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng giữa thai kỳ4.  Và hen càng nặng thì diễn tiến càng xấu, đợt kịch phát trong giai đoạn mang thai xảy ra 12.6%, 25.7% và 51.9% lần lượt theo phân loại mức độ hen nhẹ, trung bình, nặng trước đó5. Lần mang thai sau thì tình trạng kiểm soát hen có khuynh hướng giống lần mang thai trước5.

Đợt kịch phát hen hay kiểm soát hen kém ở giai đoạn thai kỳ chủ yếu là do sự to ra của tử cung, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của sự thay đổi hormon, hoặc do ngưng/giảm thuốc điều trị hen vì lo ngại tác dụng phụ của thuốc.

Và bệnh hen thì có dẫn đến các nguy cơ cho người mẹ và thai nhi không?

Nguy cơ cho mẹ và thai nhi tùy thuộc vào mức độ kiểm soát hen.

Nghiên cứu Schatz và cộng sự6 cho thấy có mối liên quan đáng kể giữa chức năng hô hấp (FEV1) trong thai kỳ và thai nhi:

Bảng 1. Mối tương quan giữa FEV1 và thai nhi trong thai kỳ 6

(* p< 0.05; # p < 0.01)

Ngoài ra, mức độ triệu chứng hen, đợt kịch phát hen trong thai kỳ có mối liên quan tới hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) hay trẻ sinh thiếu cân.

Bảng 2. Mối tương quan giữa triệu chứng và IUGR trong thai kỳ 7

Hình 2. Mối liên quan giữa đợt kịch phát hen trong thai kỳ và trẻ sinh thiếu cân4

Nhìn chung, so với phụ nữ không mắc hen thì ở phụ nữ mắc hen thì tăng 15% – 20% nguy cơ tử vong chu sinh, tiền sản giật, sinh non hoặc nhẹ cân, và với bệnh nhân hen nặng thì nguy cơ này tăng lên 30% – 100%8.

Các khuyến cáo về điều trị hen trong giai đoạn thai kỳ

Mục tiêu chung của quản lý hen là kiểm soát hiện tại và giảm nguy cơ tương lai. Mục tiêu này cũng không thay đổi trong thai kỳ nhằm đảm bảo sức khoẻ tốt nhất cho cả mẹ và con4.

  • Không có bằng chứng rõ ràng về tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc hen cho thai nhi và lợi ích của việc dùng thuốc đúng cao hơn nhiều so với nguy cơ do hen mất kiểm soát mang lại9,10,11.

Bảng 3. Phân loại FDA về mức độ an toàn của thuốc dành cho phụ nữ có thai12

  • Nghiên cứu cho thấy sử dụng ICS, chủ vận beta 2, montelukast hoặc theophylline không liên quan đến tăng tỉ lệ bất thường thai nhi13. Ngoài ra, qua các nghiên cứu, ICS chứng minh giúp giảm nguy cơ đợt kịch phát trong quá trình mang thai14,15,16, và ngưng sử dụng ICS làm tăng nguy cơ đợt kịch phát hen. Vì vậy GINA17 khuyến cáo không nên dừng điều trị với ICS trong giai đoan chuẩn bị mang thai cũng như giai đoạn thai kì.
  • Albuterol (Salbutamol) qua được hàng rào nhau thai18. Tuy nhiên, đồng vận beta-2 không liên quan đến tăng nguy cơ dị tật thai nhi17, sử dụng đường dùng toàn thân có thể liên quan đến hạ đường huyết và nhịp tim nhanh ở mẹ và thai nhi.
  • Về phối hợp ICS/LABA, có rất ít dữ liệu về liệu hiệu quả và/hoặc an toàn của việc sử dụng liệu pháp phối hợp này cho phụ nữ có thai, tuy nhiên những chứng cứ từ các RCT trên người lớn thì cho thấy phối hợp ICS/LBA hiệu quả hơn trong kiểm soát hen so với việc tăng liều ICS20.
  • LTRA không được ưu tiên sử dụng ở những bệnh nhân hen nhẹ dai dẳng trong thai kỳ21. Gần đây FDA chỉ khuyến cáo dùng LTRA cho bệnh nhân hen kèm viêm mũi dị ứng do có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần22.

Bảng 4. Phân loại mức độ an toàn của các hoạt chất điều trị hen theo FDA23

 

Điều trị hen ở phụ nữ mang thai cũng nên tiếp cận theo bậc điều trị:

Nếu kiểm soát hen không đạt được với thuốc hiện tại thì việc tăng bậc điều trị nên được thực hiện theo các khuyến cáo18,24.

Giảm bậc điều trị trong thai kỳ, nhìn chung, không được khuyến cáo vì nguy cơ mất kiểm soát hen trong giai đoạn nguy cơ cao này mặc dù việc giảm bậc được khuyến cáo nếu hen được kiểm soát tốt ít nhất 3 tháng ở người bình thường24.

Đợt kịch phát hen và thai kì?

Đợt kịch phát hen thường gây ra các biến cố không tốt cho cả mẹ và con trong thai kỳ và xảy ra ở 20% –45% phụ nữ mang thai, trong đó 5% –11% phụ nữ có cơn hen cấp mức độ nặng (cần phải sử dụng OCS)4,25,26. Cơn hen cấp chủ yếu xảy ra vào cuối quý hai của thai kỳ, trung bình tuổi thai 25,1 ± 0,9 tuần4,25,26. Các nguyên nhân chính khởi phát cơn hen là nhiễm virus và không tuân thủ điều trị dự phòng bằng ICS. Ngoài ra, việc không điều trị hen và thay đổi nồng độ hormone cũng góp phần gây ra đợt kịch phát hen 4,25,26. Và chẩn đoán sớm đợt kịch phát hen trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng

Theo Hướng dẫn của Anh về quản lý hen ở phụ nữ mang thai27:

  • Thuốc điều trị đợt kịch phát hen tương tự như bệnh nhân không mang thai bao gồm steroid và magnesium sulfate
  • Để tránh tình trạng thiếu oxy cho sản phụ và thai nhi, cần thở oxy duy trì SpO2 94-98%, theo dõi liên tục bão hòa oxy và nhịp tim của thai nhi
  • Đợt kịch phát nặng trong giai đoạn thai kỳ là một trường hợp khẩn cấp và nên được điều trị tích cực tại bệnh viên
  • Theo dõi liên tục thai nhi được khuyến cáo trong trường hợp đợt kịch phát hen nặng
  • Nếu kiểm soát hen kém trong thời kỳ mang thai, cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa bác sĩ hô hấp và bác sĩ sản khoa, cần sớm chuyển bác sĩ chăm sóc tích cực nếu bị đợt kịch phát hen nặng.

Những lưu ý khác trong quản lý hen ở phụ nữ mang thai?

  • Theo dõi chặt chẽ phụ nữ có thai bị hen mức độ trung bình – nặng để kiểm soát hen tốt27.
  • Tái khám hàng tháng nên được thực hiện17.
  • Tư vấn để bệnh nhân biết hen kiểm soát kém, và đợt kịch phát hen, có thể gây nguy hại cho thai nhi cao hơn so với hen được kiểm soát tốt17. Vì vậy cần tư vấn về tầm quan trọng của việc duy trì kiểm soát tốt bệnh hen trong thai kỳ để tránh các vấn đề cho cả mẹ và con27.
  • Tư vấn cho những phụ nữ hút thuốc về những nguy hiểm cho bản thân và thai nhi và đưa ra những hỗ trợ thích hợp để ngừng hút thuốc27.

Chú thích:

  • SABA (Short-Acting Beta 2 Agonist): thuốc kích thích thụ thể b2 giao cảm tác dụng ngắn
  • LABA (Long-Acting Beta 2 Agonist): thuốc kích thích thụ thể b2 giao cảm tác dụng kéo dài
  • ICS (Inhaled Corticosteroid): corticosteroid dạng hít
  • OCS (Oral Corticosteroid): corticosteroid đường uống
  • GINA (Global Initiative for Asthma: sáng kiến toàn cầu về quản lý hen
  • FDA (The United States Food and Drug Administration): Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ

PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh

Trưởng khoa Hô hấp – Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội

Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. Kwon HL, Belanger K, Bracken MB. Asthma Prevalence among Pregnant and Childbearing-aged Women in the United States: Estimates from National Health Surveys. Ann Epidemiol. 2003;13(5):317-324
  2. Clark JM, Hulme E, Devendrakumar V, et al. Effect of maternal asthma on birthweight and neonatal outcome in a British inner-city population. Paediatr Perinat Epidemiol. 2007;21(2):154-162
  3. Gluck JC, Gluck PA. The effect of pregnancy on the course of asthma. Immunol Allery Clin North Am 2006;26:63-80
  4. Murphy VE, Clifton VL, Gibson PG. Asthma exacerbations during pregnancy: incidence and association with adverse pregnancy outcomes. Thorax. 2006;61(2):169-176
  5. Schatz, J Allergy Clin Immunol 112:283, 2003
  6. Schatz, et al. Am J Obstet Gynecol 2006; 194:120
  7. Bracken, et al. Obstet Gynecol 2003; 102:739
  8. Kallen, B, Rydhstroem, H, Aberg, A. Asthma during pregnancy – a population based study. Eur J Epidem 2000; 16:167
  9. 2007 Apr;62(4):320-8.doi: 10.1136/thx.2006.062950.Epub 2006 Nov 2
  10. Expert Opin Drug Saf. 2007 Jan;6(1):15-26.doi: 10.1517/14740338.6.1.15
  11. Namazy, Schartz, Management of Asthma during Pregnancy. Women’s Health (2006) 2(3), 405–413
  12. Federal Register/Vol. 73, No.104/Thursday, May 29,2008
  13. Lim A, Stewart K, Konig K, George J. Systematic review of the safety of regular preventive asthma medications during pregnancy. Ann Pharmacother 2011;45:931-45
  14. Murphy VE, Gibson PG. Asthma in pregnancy. Clin Chest 2011; 32:93-110, ix
  15. Wendel PJ, Ramin SM, Barnett-Hamm C, Rowe TF, Cunningham FG. Asthma treatment in pregnancy: a randomized controlled study. Am J Obstet Gynecol 1996;175: 150-4
  16. Schatz M, Leibman C. Inhaled corticosteroid use and outcomes in pregnancy. Annals of Allergy, Asthma & Immunology 2005;95:234-8
  17. GINA 2020
  18. Boulton DW, Fawcett JP, and Fiddes TM, “Transplacental Distribution of Salbutamol Enantiomers at Caesarian Section,” Br J Clin Pharmacol,1997, 44(6):587-90.
  19. Middleton PG, Gade EJ, Aguilera C, et al. ERS/TSANZ task force statement on the management of reproduction and pregnancy in women with airways diseases. Eur Respir J. 2020;55(2):1901208.
  20. National Heart, Lung and Blood Institute. NAEPP Expert Panel Report. Managing asthma during pregnancy: recommendations for pharmacologic treatment. Updated in 2007
  21. Spector SL, Antileukotriene Working Group. Safety of antileukotriene agents in asthma management. Ann Allergy Asthma Immunol Off Publ Am Coll Allergy Asthma Immunol. 2001;86(6 Suppl 1):18-23.
  22. FDA requires Boxes Warning about serious mental health side effects for asthma and allergy drug montelukast (Singulair); advices restricting use for allergic rhinitis. FDA, 2020 (https://www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-requires-boxed-warning-about-serious-mental-health-side-effects-asthma-and-allergy-drug)
  23. Journal of the American Association of Nurse Practitioners 25 (2013) 513–521
  24. Ther Adv Respir Dis (2013) 7(2) 87–100
  25. Murphy VE, Gibson P, Talbot PI, Clifton VL. Severe asthma exacerbations during pregnancy. Obstet Gynecol. 2005;106(5 Pt 1):1046-1054.
  26. Murphy VE, Jensen ME, Gibson PG. Asthma during Pregnancy: Exacerbations, Management, and Health Outcomes for Mother and Infant. Semin Respir Crit Care Med. 2017;38(2):160-173.
  27. https://www.guidelines.co.uk/respiratory/bts/sign-asthma-in-pregnancy-guideline/455418.article

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM