SỬ DỤNG HỢP LÝ THUỐC CẮT CƠN DẠNG HÍT TRONG ĐIỀU TRỊ HEN



Thuốc cắt cơn hen dạng hít Là thuốc dạng hít dùng để làm giảm triệu chứng hen khi chúng xuất hiện, nên được GINA (Chiến ...

Thuốc cắt cơn hen dạng hít

Là thuốc dạng hít dùng để làm giảm triệu chứng hen khi chúng xuất hiện, nên được GINA (Chiến lược toàn cầu về hen) gọi là thuốc giảm triệu chứng hen. Thuốc cắt cơn hen dạng hít thuộc nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh bao gồm thuốc kích thích thụ thể b2 giao cảm tác dụng ngắn (short-acting b2 agonist, còn gọi là SABA) và thuốc ức chế thụ thể muscarinic tác dụng ngắn (short-acting muscarinic antagonist, còn gọi là SAMA). Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm co thắt cơ trơn phế quản nhưng không có tính kháng viêm nên không phải là thuốc điều trị nền viêm trong hen. Do đó, nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm triệu chứng hen hiện tại nhưng không ngăn ngừa được triệu chứng hen xuất hiện trong tương lai, nghĩa là không kiểm soát được triệu chứng hen hoặc không ngăn ngừa được đợt cấp hen.

Bệnh nhân hen tại Việt Nam thường dùng SABA (như salbutamol) dạng hít để cắt cơn hen. Bệnh nhân hen nhẹ có khuynh hướng dùng SABA đơn thuần để điều trị hen hơn là dùng kèm corticosteroid dạng hít (inhaled corticosteroids, còn gọi là ICS)1 do SABA có tác dụng nhanh, rẻ tiền, dễ mua, được dùng phổ biến khi đi cấp cứu hoặc nhập viện, bệnh nhân quen dùng từ lâu và ngộ nhận rằng thuốc SABA giúp khống chế được bệnh hen1. SABA làm giảm triệu chứng hen tức thì khiến bệnh nhân chủ quan dùng lâu dài mà không dùng kèm với ICS, đến lúc cơn hen nặng xuất hiện và SABA không còn tác dụng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

Tác dụng của SABA trong điều trị hen

Trong cơn hen, có hiện tượng co thắt cơ trơn phế quản. Thuốc SABA dạng hít có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, gây giảm khó thở. Thuốc SABA dạng hít (như salbutamol, fenoterol…) có thời gian khởi phát tác dụng nhanh trong vòng 1-5 phút và tác dụng kéo dài khoảng 2-6 giờ3. Hiệu quả giảm triệu chứng của SABA sẽ giảm dần theo thời gian nếu SABA được dùng thường xuyên mà không kèm theo ICS. Dùng SABA thường xuyên hoặc lâu dài sẽ gây ra các hậu quả sau: giảm hoạt động của thụ thể b2 giao cảm, giảm sự bảo vệ phế quản, giảm khả năng giãn phế quản, tăng phản ứng dị ứng và tăng viêm phế quản liên quan bạch cầu ái toan4.

Nếu bệnh nhân dùng SABA > 2 lần một tuần lễ, có nghĩa là bệnh hen của bệnh nhân chưa được kiểm soát5. Khi đó, bệnh nhân nên được bác sĩ khám lại để kiểm tra loại thuốc đang dùng, kỹ thuật hít thuốc và được hướng dẫn cách dùng thuốc phù hợp, bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thêm thuốc kiểm soát hen như ICS nếu chưa dùng hoặc phải điều chỉnh liều thuốc kiểm soát hen nếu đang dùng.

Các nguy cơ khi sử dụng quá mức SABA trong điều trị hen

Ngưỡng dùng quá mức SABA thay đổi tùy theo nghiên cứu. Tuy nhiên, mức độ dùng SABA liên quan thuận với các kết cục xấu trong bệnh hen5.

Dùng SABA > 1 ống hít chứa 200 liều mỗi tháng sẽ tăng nguy cơ tử vong do hen6. Một nghiên cứu bệnh chứng tại Canada cho thấy, việc dùng thường xuyên SABA dạng hít trong năm trước liên quan với nguy cơ tử vong: so với người không dùng SABA dạng hít, cứ tăng mỗi bình hít SABA dùng trong 1 tháng thì khả năng tử vong cũng tăng với OR hiệu chỉnh là 2,6 (KTC 95% 1,7-3,9)7.

Trong 1 nghiên cứu trích xuất dữ liệu hệ thống quốc gia tại Thụy Điển, tỉ số nguy cơ vào đợt cấp hen (HR) khi dùng 3-5 bình SABA/năm so với việc sử dụng ≤ 2 bình SABA/năm là 1,26 (KTC 95% 1,24-1,28) và tỉ số nguy cơ tử vong khi sử dụng ≥ 11 bình SABA/năm so với sử dụng ≤ 2 bình SABA/năm là 2,35 (KTC 95% 2,02-2,72)8.

Nghiên cứu tiến cứu tại New Zealand cho thấy, số nhát salbutamol cắt cơn trung bình mỗi ngày trong 2 tuần lễ qua tiên đoán khả năng bị đợt cấp hen (được định nghĩa là đợt có triệu chứng hen nặng lên phải dùng corticoid toàn thân ít nhất 3 ngày hoặc cần phải nhập viện hoặc nhập cấp cứu) trong 6 tháng tiếp theo. Cứ tăng trung bình mỗi 2 nhát salbutamol 100 µg/ngày thì khả năng bị đợt cấp hen tăng 24% (OR 1,24; KTC 95% 1,06-1,46)9. Số ngày trung bình phải dùng salbutamol cắt cơn trong 2 tuần lễ qua cũng tiên đoán khả năng bị đợt cấp hen trong 6 tháng tiếp theo: cứ tăng mỗi 2 ngày phải dùng salbutamol thì khả năng bị đợt cấp hen tăng 15% (OR 1,15; KTC 95% 1,00-1,31)9.

Một nghiên cứu khác tại Hoa Kỳ cho thấy, khả năng đợt cấp hen phải nhập viện hoặc cấp cứu trong 1 năm tiếp theo tăng gần 2 lần khi bệnh nhân sử dụng số bình hít SABA trong một khoảng thời gian trước đó vượt ngưỡng: đối với trẻ em 4-17 tuổi là 3 bình hít trong 12 tháng (OR 1,80; KTC 95% 1,60-2,02); đối với người lớn là 2 bình hít trong 3 tháng (OR 1,84 KTC

95% 1,57-2,15)10. Mỗi bình hít SABA dùng thêm trong thời gian qua tiên đoán khả năng bị đợt cấp phải nhập viện hoặc cấp cứu trong năm tiếp theo: tăng 8% cho trẻ em (OR 1,08; KTC 95% 1,06-1,10) và 14% cho người lớn (OR 1,14; KTC 95% 1,08-1,21)10.

Kể từ năm 2019, GINA khuyến cáo không nên điều trị hen bằng SABA đơn thuần11. Khuyến cáo này được cụ thể hóa bằng “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi” của Bộ Y tế ban hành vào tháng 04/2020 (Biểu đồ bên dưới)12.

Chú thích:

*SABA (Short-Acting Beta 2 Agonist): thuốc kích thích thụ thể b2 giao cảm tác dụng ngắn, thuốc cắt cơn hen, thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, thuốc giảm triệu chứng tác dụng ngắn như salbutamol, terbutaline, …

*OR (Odds ratio): tỉ số số chênh

*KTC: khoảng tin cậy

*HR (Hazard ratio): tỉ số nguy cơ.

 BS. Nguyễn Văn Thọ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barnes CB, Ulrik CS. Asthma and adherence to inhaled corticosteroids: current status and future perspectives. Respiratory care. Mar 2015;60(3):455-468.
  2. Reddel HK, FitzGerald JM, Bateman ED, et al. GINA 2019: a fundamental change in asthma management: Treatment of asthma with short-acting bronchodilators alone is no longer recommended for adults and adolescents. Eur Respir J. Jun 2019;53(6).
  3. 3. Goodman & Gilman’s the Pharmacological Basis of Therapeutics – 11th Ed. McGraw-Hill 2006.
  4. Hancox RJ, Cowan JO, Flannery EM, Herbison GP, McLachlan CR, Taylor DR. Bronchodilator tolerance and rebound bronchoconstriction during regular inhaled beta-agonist treatment. Respir Med. Aug 2000;94(8):767-771.
  5. Global Initiative for Asthma (GINA). Global strategy for asthma management and prevention (2020 update). Available from: http://www.ginasthma.org/. Accessed: 10 April 2020.
  6. Suissa S, Ernst P, Boivin JF, et al. A cohort analysis of excess mortality in asthma and the use of inhaled beta-agonists. Am J Respir Crit Care Med. Mar 1994;149(3 Pt 1):604-610.
  7. Spitzer WO, Suissa S, Ernst P, et al. The use of beta-agonists and the risk of death and near death from asthma. N Engl J Med. Feb 20 1992;326(8):501-506.
  8. Nwaru BI, Ekström M, Hasvold P, Wiklund F, Telg G, Janson C. Overuse of short-acting beta(2)-agonists in asthma is associated with increased risk of exacerbation and mortality: a nationwide cohort study of the global SABINA programme. Eur Respir J. 2020 Apr 16;55(4):1901872
  9. Patel M, Pilcher J, Reddel HK, et al. Metrics of salbutamol use as predictors of future adverse outcomes in asthma. Clinical and experimental allergy : journal of the British Society for Allergy and Clinical Immunology. Oct 2013;43(10):1144-1151.
  10. Stanford RH, Shah MB, D’Souza AO, Dhamane AD, Schatz M. Short-acting beta-agonist use and its ability to predict future asthma-related outcomes. Annals of allergy, asthma & immunology : official publication of the American College of Allergy, Asthma, & Immunology. Dec 2012;109(6):403-407.
  11. 11. Global Initiative for Asthma (GINA). Global strategy for asthma management and prevention (updated 2019). Available at: http://www.ginasthma.org/. Accessed: 3 Aug 2019.
  12. Bộ Y Tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em ≥12 tuổi (Ban hành kèm theo Quyết định số 1851/QĐ-BYT Ngày 24 tháng 04 năm 2020).

[1] Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Đại Học Y Dược TP.HCM; Khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM; Khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM