BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ COVID-19 (Bài Viết Cho Bệnh Nhân)



Bệnh Coronavirus 2019 (COVID-19) là một bệnh truyền nhiễm do Coronavirus-2 (SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp ở người lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng y ...

Bệnh Coronavirus 2019 (COVID-19) là một bệnh truyền nhiễm do Coronavirus-2 (SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp ở người lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay1.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp và giới hạn luồng khí dai dẳng, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang; thường do phơi nhiễm với các phân tử và khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ gây COPD quan trọng. Các bệnh đồng mắc và các đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh2.

COPD thường ở nhóm người cao tuổi cùng với tình trạng tắc nghẽn đường thở, giảm khả năng bảo vệ đường thở có thể làm coronavirus dễ dàng xâm nhập gây tổn thương và bội nhiễm các vi khuẩn khác, tăng nguy cơ tử vong trên những đối tượng này3,4. Vì vậy, bệnh nhân COPD lo lắng về việc nhiễm COVID-19, chăm sóc y tế không đầy đủ, xử trí khi nhiễm COVID-19.

Vậy bênh nhân COPD cần gì để kiểm soát tốt bệnh COPD cũng như có những lưu ý gì trong dịch COVID-19?

I. Phân biệt triệu chứng COVID-19 và triệu chứng COPD1

Việc phân biệt các triệu chứng của nhiễm COVID-19 với các triệu chứng thông thường của COPD hoặc đợt cấp có thể là một thách thức.

Ho và khó thở có ở hơn 60% bệnh nhân COVID-19 nhưng thường đi kèm với sốt (lớn hơn 60% bệnh nhân) cũng như mệt mỏi, rối loạn tri giác, tiêu chảy, buôn nôn, nôn và đau cơ, giảm khứu giác, rối loạn tiêu hóa và đau đầu. Triệu chứng COVID-19 ban đầu có thể nhẹ nhưng suy giảm chức năng phổi có thể xảy ra nhanh chóng. Nghi ngờ nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân COPD nếu bệnh nhân có biểu hiện đợt cấp, đặc biệt nếu kèm theo sốt, suy giảm vị giác hoặc khứu giác hoặc các phàn nàn về tiêu hóa.                       

Triệu chứngBệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)1COVID-195
Hoxx
Khó thởxx
Tăng tiết đờmx 
Sốt x
Viêm họng x
Tiêu chảy x
Buồn nôn hoặc nôn mửa x
Đau nhức cơ x
Đau đầu x
Viêm họng x
Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi x
Giảm khứu giác và vị giác x
Rối loạn tiêu hóa x

Bảng 1: Phân biệt triệu chứng giữa COPD và COVID-191,5

II. Nguy cơ ở bệnh nhân COPD trong đại dịch COVID-19

1. Bệnh nhân COPD có tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 hay không?1

Vì bệnh nhân COPD dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp dovirus và COPD nói chung là bệnh của người lớn tuổi, nhiều người dự đoán rằng bệnh nhân COPD có nguy cơ mắc phải COVID-19 tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác định bệnh nhân COPD có tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Rất ít nghiên cứu có dân số sử dụng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá các yếu tố nguy cơ cho kết quả xét nghiệm dương trính với SARS-CoV-2, hầu hết đều xem xét các mẫu bệnh nhân được giới thiệu đến xét nghiệm hoặc có các triệu chứng và rất ít có thông tin về các bệnh đi kèm. Một cuộc khảo sát dân số với việc lấy mẫu ngẫu nhiên không tìm thấy nguy cơ lây nhiễm tăng lên. Tương tự, hầu hết các nghiên cứu về những người trong cộng đồng được xét nghiệm SARS-CoV-2 không cho thấy bệnh hô hấp mạn tính là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

2. Bệnh nhân COPD là đối tượng nguy cơ cao gặp kết cục xấu khi bị nhiễm COVID-19?

Bệnh nhân COPD là đối tượng nguy cơ cao khi bị nhiễm COVID-19, các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COPD chiếm 2-14% bệnh nhân nhập viện6; tăng nguy cơ nhập viện, nhập cấp cứu, và thậm chí tử vong7.

Nhiều yếu tố đã được đề xuất để giải thích cho nguy cơ gia tăng các kết cục xấu bao gồm tuân thủ điều trị kém trước đó, khó khăn trong việc tự quản lý bệnh, hạn chế tiếp cận chăm sóc điều trị trong thời gian dịch COVID-19,…

3. Khi mắc COVID-19 thì bệnh nhân COPD có tăng nguy cơ đợt cấp hay tử vong do COPD không?8

Đợt cấp COPD là những biến cố quan trọng xảy ra trong quá trình tự nhiên của COPD và nhiễm vi-rút đường hô hấp là nguyên nhân quan trọng. Nói chung, nhiễm vi-rút có thể tạo điều kiện cho nhiễm vi khuẩn tiếp theo hoặc làm tăng số lượng vi khuẩn đã có trong đường hô hấp dưới. Có khả năng là vi rút SARS-CoV-2 gây ra đợt cấp COPD.

Đợt cấp COPD thường liên quan đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do tim mạch, đặc biệt ở những người có viêm phổi kèm theo.

III. Bệnh nhân COPD cần thực hiện các hướng dẫn dưới đây trong dịch COVID-191

1. Điều trị dùng thuốc1

  • Cần đảm bảo đủ thuốc điều trị trong đại dịch COVID-19 hoặc trong giai đoạn cách ly xã hội.
  • Duy trì thuốc điều trị đường uống và các thuốc đường hít khi điều trị COPD do không có bằng chứng các thuốc điều trị COPD nên thay đổi trong đại dịch COVID-19. Bệnh nhân không tự ý thay đổi thuốc điều trị và hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất kì sự điều chỉnh nào.
  • Thận trọng về việc sử dụng rộng rãi corticosteroid đường toàn thân ở bệnh nhân COVID-19. Bệnh nhân nên sử dụng kháng sinh và steroids đường uống phù hợp với khuyến cáo cho các đợt kịch phát
  • Tránh sử dụng khí dung nếu không cần thiết

2. Điều trị không dùng thuốc1,3

  • Duy trì hoạt động thể lực tại nhà và có thể liệu pháp phục hồi chức năng tại nhà.
  • Bệnh nhân COPD mắc COVID-19 nên thực hiện các chương trình phục hồi chức năng, đặc biệt là ở những bệnh nhân nặng hoặc cần nhập viện, nhập cấp cứu. Phục hồi chức năng và nhu cầu oxy nên được đánh giá khi xuất viện và 6–8 tuần sau nếu họ đã bị COVID-19 nặng.

3. Những lưu ý khác bệnh nhân COPD cần thực hiện trong dịch COVID-19:

  • Bệnh nhân COPD nên tuân theo các phương pháp chống nhiễm khuẩn cơ bản để tránh SARS-CoV-2 bao gồm giãn cách xã hội và rửa tay1.
  • Đeo khẩu trang có thể giảm nguy cơ lây lan vi khuẩn1.
  • Vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện, nhập viện cấp cứu hoặc nhập khoa cấp cứu hoặc thăm khám cấp cứu, bao gồm các bệnh hô hấp mạn tính. Bệnh nhân COPD nên chủng ngừa COVID-19 theo khuyến cáo của quốc gia1. Bộ Y tế khuyến cáo những người mắc đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi; Bệnh thận mạn tính; Béo phì, thừa cân… sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-197.

Tác giả: BS.CKII. Lê Thị Kim Chi

Giảng viên Bộ môn Nội – Trường Đại học Y Dược TP. HCM

Hiệu đính: PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

Chủ tịch Liên chi Hội Hen – Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • GOLD 2022, www.goldcopd.org
  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2018
  • Halpin et al, COVID-19 & COPD, Arch Bronconeumol. 2021 Mar; 57(3): 162–164.
  • Salvi, Sundeep Santosh; Dhar et al, COPD Management during the COVID-19 pandemic, Lung India: March 2021 – Volume 38 – Issue Suppl 1 – p S80-S85
  • CDC: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/need-extra-precautions/people-with-medical-conditions.html (Last accessed: 23 Aug 2021)
  • European respiratory Journal: https://erj.ersjournals.com/content/56/2/2002108 (Last accessed 27 Aug 2021
  • COPD and the risk of poor outcomes in COVID-19: A systematic review and meta-analysis Gerayeli, Firoozeh V. et al. EClinicalMedicine, Volume 33, 100789
  • Bộ Y tế Việt Nam: https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/-/6851640-97 (last accessed 27 Aug 2021)

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM