Các câu hỏi thường gặp về dụng cụ hít xịt



Sử dụng buồng đệm: hít thở như thế nào là hợp lý, gắn cố định ống thuốc có được không? Nếu sử dụng 2 nhát ...

  1. Sử dụng buồng đệm: hít thở như thế nào là hợp lý, gắn cố định ống thuốc có được không? Nếu sử dụng 2 nhát xịt thì xịt liên tục vào buồng đệm hay mỗi lần xịt một nhát.

Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều với buồng đệm

  1. Bảo đảm bình thuốc kim loại của bình xịt được nhét đúng vào vỏ nhựa.
  2. Tháo nắp khỏi đầu ngậm của cả bình xịt lẫn buồng đệm.
  3. Nhét đầu ngậm của bình xịt vào lỗ mềm của buồng đệm. Bình thuốc kim loại của bình xịt phải ở vị trí thẳng đứng.
  4. Lắc bình xịt có gắn buồng đệm vài lần.
  5. Thở ra, tránh buồng đệm, đến cuối lúc thở ra bình thường.
  6. Đặt đầu ngậm của buồng đệm vào trong miệng, qua khỏi hàm răng và phía trên lưỡi. Mím chặt môi quanh đầu ngậm. Nếu bạn sử dụng buồng đệm có mặt nạ, hãy đặt mặt nạ phủ lên mũi và miệng bạn. Hãy bảo đảm rằng mặt nạ áp sát vào hai bên má và cằm của bạn. Không nên để kẽ hở giữa mặt nạ và da.
  7. Ấn vào đỉnh bình thuốc kim loại một lần để phóng thuốc vào trong buồng đệm.
  8. Hít vào sâu và chậm qua miệng. Nếu buồng đệm nổi tiếng còi, bạn đang hít vào quá nhanh. Bạn nên tránh tiếng còi.
  9. Ngưng thở trong 5 đến 10 giây.
  10. Thở ra chậm.
  11. Nếu bạn được chỉ định sử dụng nhiều hơn một nhát, hãy đợi khoảng 15 đến 30 giây (hoặc theo chỉ dẫn bởi toa thuốc trong hộp) trước khi nhận nhát thứ hai. Sau đó lập lại các bước 4 đến 10.
  12. Đậy nắp lên đầu ngậm của bình xịt và buồng đệm sau khi bạn đã hoàn tất.
  13. Nếu bạn hít loại thuốc steroid, hãy súc miệng với nước cho kêu, ngữa mặt khò nước và nhổ ra.

Lưu ý:

  • Nên vệ sinh mỗi tuần một lần hay khi buồng đệm bẩn hoặc khi thuốc bám nhiều trên thành buồng đệm. Không gắn cố định buồng đệm vào ống thuốc.
  • Như cách hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều với buồng đệm, nếu phải sử dụng 2 nhát xịt thì không được xịt liên tục vào buồng đệm, khoảng cách giữa 2 lần xịt khoảng 1 – 2 phút.

Tài liệu tham khảo:

http://www.atsjournals.org/doi/pdf/10.1164/rccm.1908P5    

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam

   2.  Các câu hỏi liên quan đến dụng cụ Turbuhaler:

  • Không cảm thấy thuốc vào?
  • Làm sao biết thuốc còn hay hết?
  • Nạp thuốc nhiều lần có sao không?
  • Sợ hít ko nổi, thuốc không vào?…

Trả lời:

Turbuhaler là dụng cụ hít bột khô, với lực hít vào chủ động thuốc được đưa trực tiếp vào phổi chứ không bị bắn thẳng vào hầu họng như dụng cụ thế hệ trước là pMDI (pMDI là bình xịt định liều, khi sử dụng đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ khi ấn và hít, kỹ thuật hít chậm và sâu)

. Bệnh nhân không thấy thuốc khi hít vào?

Symbicort (Budesonide/Formoterol) Turbuhaler  (160/4,5 µg) với liều thuốc trong mỗi lần sử dụng là rất nhỏ 160/4,5 µg, ngoài ra Symbicort(Budesonide/Formoterol) Turbuhaler hoàn toàn không chứa chất dẫn, chất bảo quản nên không có bất kì mùi vị khó chịu đảm bảo độ an toàn cao nhất trên đối tượng rất nhạy cảm là bệnh nhân hen, đồng thời với lực hít chủ động thì thuốc được đưa trực tiếp vào phổi chứ không bị bắn thẳng vào hầu họng vì vậy bệnh nhân sẽ ít cảm nhận được vị thuốc.

. Bệnh nhân làm sao biết thuốc còn hay hết?

Để biết ống thuốc Symbicort(Budesonide/Formoterol) Turhaler còn thuốc hay không thì bệnh nhân có thể kiểm tra theo các cách sau:

  • Sử dụng cửa sổ chỉ thị liều: Turbuhaler có cửa sổ chỉ thị liều ghi nhận các lần bệnh nhân nạp thuốc. Cửa số chỉ thị liều bắt đầu bằng 60 hay 120 tùy dạng đóng gói và di chuyển theo từng mức 10 liều. Mỗi 20 liều thể hiện bằng 1 số và 10 liều thể hiện bằng 1 dấu gạch ngang. Khi còn 10 liều thuốc, ½ cửa sổ chỉ thị liều sẽ xuất hiện màu đỏ, khi không còn thuốc toàn bộ cửa sổ chỉ thị liều sẽ có màu đỏ và số 0.
  • Sử dụng tấm vải đậm màu: Nếu bệnh nhân vô ý làm quá nhiều lần bước nạp thuốc khiến cửa sổ chỉ thị liều đi lệch, và bệnh nhân muốn kiểm tra phần thuốc trong ống Turbuhaler, thì có 1 cách đơn giản là sử dụng 1 tấm vải mỏng, màu đậm bịt vào đầu ngậm ống Turbuhaler, và thực hiện các thao tác sử dụng Turbuhaler như bình thường. Sau khi lấy tấm vải ra, bệnh nhân có thể thấy các hạt thuốc nhỏ, màu trắng bám lại trên tấm vải. Tuy nhiên, lần hít đó sẽ không có thuốc vào phổi và cũng không chắc chắn liều hít kế tiếp có còn thuốc hay không. Cách tốt nhất là sử dụng đúng kỹ thuật hướng dẫn.

. Nạp thuốc nhiều lần có sao ko?

Nhờ hệ thống tránh gấp đôi liều, dù bệnh thực hiện nhiều lần bước nạp thuốc, cũng sẽ chỉ có đúng 1 liều thuốc được nạp vào và bệnh nhân chỉ sử dụng đúng 1 liều thuốc. Tuy nhiên cửa sổ chỉ thị liều sẽ ghi nhận tất cả các liều đã nạp, do vậy số trên cửa sổ chỉ thị liều sẽ không còn chính xác nữa.

. Sợ hít không nổi, thuốc không vào?

  • Turbuhaler vẫn hiệu quả trên bệnh nhân Hen nặng: Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã ghi nhận hiệu quả của dụng cụ hít Turbuhaler trên các bệnh nhân hen. Trong khoảng thời gian từ 1985 – 2012, đã có 23 nghiên cứu lâm sàng tiến hành trên bệnh nhân hen trở nặng và hen cấp tại phòng cấp cứu hoặc nhập viện sử dụng DPI cho nhiều loại thuốc khác nhau như salbutamol, terbutaline, formoterol, formoterol/budesonide… Kết quả cho thấy DPI có hiệu quả tương đương như pMDI hoặc khí dung cho bệnh nhân trong đợt hen trở nặng
  • Bệnh nhân COPD nặng vẫn hít được Turbuhaler: Việc sử dụng Turbuhaler cho thấy lưu lượng đỉnh hít vào và thể tích hít vào đều không bị ảnh hưởng bởi lưu lượng khí thở ra (FEV1) của bệnh nhân COPD, và đa số bệnh nhân COPD mức độ nặng vẫn có lưu lượng hít vào đủ để có thể sử dụng turbuhaler hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra lưu lượng hít vào (còi test) trước khi kê đơn thuốc.
Tài liệu tham khảo:
Thông tin kê toa Symbicort tại Việt Nam
(O.Selroos. Ther. Deliv. 2014)
(Derom E et al. Respiratory Medicine. 2007)
PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

 3.   Dùng thuốc (các dụng cụ) như thế nào cho đúng? 

Dụng cụ xịt – hít có vai trò quan trọng trong điều trị Hen & COPD. Vì vậy, hiểu và dùng đúng cách dụng cụ là chìa khóa đảm bảo hiệu quả điều trị.

Bệnh nhân cần được bác sĩ hoặc điều dưỡng tại các phòng khám hướng dẫn sử dụng đúng cách các dụng cụ, việc này nên được lặp lại mỗi lần tái khám. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đọc thêm thông tin kê toa về hướng dẫn sử dụng dụng cụ trong mỗi hộp thuốc.

PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

     4.   Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), vào buổi sáng, khi phối hợp Symbicort (Budesonide/Formoterol) và Spiriva (Tiotropium) thì nên sử dụng thuốc nào trước? Và sau bao lâu sử dụng thuốc tiếp theo?

Một số bệnh nhân COPD sẽ được chỉ định phối hợp Symbicort (Budesonide/Formoterol) với Spiriva (tiotropium) để kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ đợt cấp trong tương lai. Hiện tại, chưa có dữ liệu về tương tác thuốc khi sử dụng Symbicort (Budesonide/Formoterol) cùng với Sprivira (tiotropium).

Mặc dù chưa tiến hành nghiên cứu tương tác thuốc chính thức, tiotropium bromide đã được dùng với các thuốc điều trị COPD phổ biến khác, bao gồm các thuốc giãn phế quản cường giao cảm, methylxanhine, steroid uống và hít, mà không thấy bằng chứng tương tác thuốc trên lâm sàng.

Các thuốc thường dùng kết hợp (LABA/ICS và kết hợp của chúng) được sử dụng cho bệnh nhân COPD chưa được phát hiện gây thay đổi nồng độ Tiopotrium

Thông tin kê toa cho chỉ định điều trị COPD thì:

Spiriva (Tiotropium): 2 hít/lần x 1 lần/ngày

Symbicort (Budesonide/Formoterol): 2 hít/lần x 2 lần/ngày

Đối với Spiriva (Tiotropium) thì bệnh nhân nên hít vào một giờ nhất định trong ngày. Tương tự Symbicort (Bud/For) cũng nên hít vào những khung giờ cố định trong ngày, và 2 lần hít nên cách nhau 12 tiếng.

Tài liệu tham khảo:
Thông tin kê toa Symbicort và Spiriva tại Việt Nam
https://www.drugs.com/interactions-check.php?drug_list=2202-16896,432-2530
PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung – Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam
ThS.BS. Vũ Văn Thành – Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam

 

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM