Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính



I. VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG BPTNMT: – Cơ thể của chúng ta sử dụng thực phẩm làm nhiên liệu cho tất cả các ...

I. VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG BPTNMT:
– Cơ thể của chúng ta sử dụng thực phẩm làm nhiên liệu cho tất cả các hoạt động.
– Người BPTNMT nên áp dụng chế độ dinh dưỡng ”riêng” cho BPTNMT. Chế độ dinh dưỡng này không thể chữa khỏi được bệnh; nhưng sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn, thể chất và tinh thần sẽ tốt hơn.
– Người BPTNTM cần duy trì tốt cân nặng phù hợp với chiều cao. Vì tình trạng dư cân – béo phì; sẽ làm gia tăng tình trạng khó thở. Hoặc, gầy yếu quá lại làm cho người bệnh nhanh chóng kiệt sức, suy nhược cơ thể, dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng,… đưa đến đợt cấp của BPTNMT.
II. NGUYÊN TẮC VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO NGƯỜI BPTNMT:
1. Người bệnh cải thiện sức khỏe, cả 3 mặt thể chất – tinh thần và xã hội.
2. Nhằm đảm bảo, chúng ta có thể ăn uống một cách yêu thích và tuân thủ chế độ dinh dưỡng này dài lâu. Mỗi người nên xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng, dựa trên (1) những món ăn yêu thích của bản thân; và (2) tránh những thứ không thích.
3. Luôn luôn đa dạng thực phẩm ăn uống, vì không có một loại thực phẩm nào cung cấp đầy đủ tất cả dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
4. Tăng cường thực phẩm chống viêm, chống Oxy hóa. Ăn nhiều chất xơ.
5. Tránh ăn các chất gây đầy bụng, sình hơi.
6. Cần cân đối 7 nhóm thức ăn theo tháp dinh dưỡng chung:

Nguồn: Trung tâm dinh dưỡng – SYT TPHCM (http://ttdinhduong.org/ttdd/trang-chu.aspx)
III. XÂY DỰNG VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG:
1. Xác định cân nặng:
– Hãy cân nặng thường xuyên, so sánh theo chuẩn chỉ số khối cơ (BMI) và báo BS điều trị.
2. Nhóm tinh bột (Carbohydrate): Gạo, khoai, củ, bánh mì, mì, bún…
– Chuyển đổi tương đương giữa các loại ngũ cốc:
½ chén cơm = ½ tô phở = ½ ổ bánh mì = 2 chén cháo = 1 chén bún = 1 lát Sandwich
– Ăn 2 – 4 chén cơm / ngày
– Nên Chọn nhóm tinh bột phức tạp: như bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi.
 Để giảm cân: Lựa chọn trái cây tươi và rau nhiều hơn ngũ cốc
 Để tăng cân: Ăn nhiều loại Carbohydrate nguyên hạt và trái cây và rau quả tươi.
– Hạn chế sử dụng tinh bột, đường đơn giản: bao gồm đường, kẹo, bánh và nước ngọt thông thường. Nhất là khi Ông/ Bà hay khó thở, thở nhanh; vì sự chuyển hóa Carbonhydrate trong cơ thể tạo ra nhiều CO2, gây khó thở.
3. Nhóm chất đạm (protein):
– Thức ăn chứa nhiều đạm: sữa, trứng phô mai, thịt, cá, thịt gia cầm, các loại hạt và đậu khô hoặc đậu Hà Lan.
– Ăn chất đạm ít nhất hai lần một ngày để giúp duy trì cơ hô hấp mạnh mẽ.
– Ăn nhiều đạm thực vật: đậu hủ, đậu nành, và các loại đậu
– Ăn đạm động vật ở mức giới hạn (ăn ít): thịt (< 100g/ngày), trứng (1.5 gà, hoặc 1 vịt/ ngày), sữa (< 400ml/ngày)
 Để giảm cân: Chọn các nguồn đạm ít chất béo như thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo.
 Để tăng cân: Chọn chất đạm có hàm lượng chất béo cao hơn, như sữa nguyên chất, phô mai, và sữa chua.
4. Nhóm chất béo (fat):
– Chọn chất béo đơn và đa không bão hòa, không chứa cholesterol: chất béo này thường ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và đến từ các nguồn thực vật, chẳng hạn như dầu cải, dầu oliu, hướng dương,…
– Sử dụng khoảng 4 muỗng cà phê hoặc < 20 g / ngày
 Để giảm cân: Hạn chế ăn các chất béo này.
 Để tăng cân: Thêm các loại chất béo vào bữa ăn của bạn (món ăn xào, chiên, trộn salad…)
– Hạn chế thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa: như bơ sữa, bơ thực vật, mỡ lợn, mỡ và da từ thịt, dầu thực vật hydro hóa, thực phẩm chiên và bánh ngọt.
5. Nhóm chất xơ – vitamin và khoáng chất:
– Ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón, 300 – 500 gram các loại hạt, trái cây và rau quả.
– Vitamin và các khoáng chất: Nên bổ sung Canxi, vitamin D
– Thức ăn giàu Canxi và sinh tố D: tôm, cá (100 – 200g/ngày), phô mai (2 miếng), sữa (200ml), sữa chua (1 hũ).
– Phơi nắng
– Bổ sung thêm Kali (đặc biệt trong gia đoạn dùng Corticoid đường toàn thân): từ trái cây (chuối, cam, trái cây khô), nước dừa, rau, nước canh rau.
6. Muối ăn (Natri): Giảm ăn muối, < 5 g / ngày.

7. Nước uống: Cung cấp đủ nước 6- 8 ly / ngày (1.5 lít/ ngày). Vì tình trạng thở nhanh, dễ gây mất nước.
8. Hạn chế thực phẩm gây đầy bụng, sình hơi: bắp cải, bông cải (trắng, xanh), củ cải, dưa cải, ớt xanh, hành tây, dưa leo, bắp, táo,…
9. Tăng thực phẩm có tính kháng viêm:
– Thực phẩm có nhiều Omega 3 (EPA): Cá thu, cá trích, cá mòi, cá hồi… ăn 3 lần / tuần. Hoặc uống bổ sung
– Thực phẩm chống Oxy hóa:
+ Rau: Cải mầm, xà lách, bó xôi, baro, cải cay…
+ Quả: Đu đủ, mơ, cà rốt,…
+ Uống nước trà xanh
CÁC LƯU Ý KHÁC:
1. Nghỉ ngơi ngay trước khi ăn, làm sạch đường thở trước ăn. Sẽ giúp Ông/ Bà dễ thở hơn khi.
2. Chọn thức ăn mềm, dễ nhai. Ăn chậm, ăn miếng nhỏ.
3. Ăn 4 đến 6 bữa nhỏ mỗi ngày.
4. Nếu uống nước trong bữa ăn khiến bạn cảm thấy quá no để ăn, hãy hạn chế uống trong bữa ăn. Nên uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ.
5. Sắp xếp bữa ăn chính vào thời điểm khỏe nhất trong ngày. Cân nhắc thêm chất bổ sung dinh dưỡng vào ban đêm để tránh cảm giác no vào ban ngày.
Ví dụ: Ăn nhiều hơn vào buổi sáng sớm, nếu Ông/Bà thường hay mệt vào buổi chiều, tối.
6. Ông/ Bà nên vận động, tập phục hồi chức năng theo khả năng của mình, tránh gắng sức. Nhờ người thân hỗ trợ khi cần

ThS.BS. Trần Thị Kim Thu

Bác sỹ điều trị Bệnh viện ĐHYD TP.HCM

Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:
1.Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam. Nhà xuất bản y học, Hà Nội 2007.
2.Nutritional supplementation for stable chronic obstructive pulmonary disease. Cochrane Database Syst Rev. 2012 Dec 12;12:cd000998
3.Chế độ dnh dưỡng cho bệnh nhân trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Viện dinh dưỡng lâm sàng. https://viendinhduonglamsang.vn/che-do-dinh-duong-cho-benh-nhan-trong-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-post10668.vvd

 

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM