Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y Tế Việt Nam và AstraZeneca tiếp tục hợp tác mở rộng chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2021-2023



Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y Tế Việt Nam và AstraZeneca tiếp tục hợp tác mở rộng chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” ...

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y Tế Việt Nam và AstraZeneca tiếp tục hợp tác mở rộng chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2021-2023

Hà Nội – Ngày 16 tháng 11 năm 2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế Việt Nam và AstraZeneca đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện mở rộng Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” cho thư phổi tại Việt Nam 2021-2023. Tiếp nối những thành công của chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT), giai đoạn 2 của chương trình sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý hai căn bệnh hô hấp nói trên, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực mới là bệnh ung thư phổi.

Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế – PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế – PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mới với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam – ông Nitin Kapoor, Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc. Trong 3 năm tiếp theo, chương trình thực hiện với các mục tiêu: nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh hen, BPTNMT và bệnh ung thư phổi để sàng lọc, phát hiện bệnh sớm; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng về khám, chẩn đoán, điều trị, và quản lý bệnh, đào tạo chuyên viên y tế; và hỗ trợ thiết lập Trung tâm quản lý ngoại trú bệnh hen và BPTNMT và Trung tâm thực hành lâm sàng đạt chuẩn trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế phát biểu tại sự kiện: “Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe sau 3 năm đầu thực hiện đã triển khai những giải pháp toàn diện trong công tác kiểm soát bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam. Vì vậy, việc duy trì và phát huy hiệu quả của các giải pháp này sâu rộng hơn trên cả nước trong giai đoạn tiếp theo 2021-2023 là rất quan trọng để đảm bảo người bệnh được hưởng lợi ích lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, chương trình mở rộng sang lĩnh vực ung thư phổi, sẽ giúp người bệnh được tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh, đồng thời thể hiện cam kết cao hơn của AstraZeneca để tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam nâng cao chất lượng quản lý các bệnh hô hấp, bệnh ung thư phổi, đặc biệt trong tình hình mới. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục thực hiện vai trò chỉ đạo và điều phối để chương trình được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.”

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam chia sẻ: “AstraZeneca rất vinh dự được đồng hành cùng Bộ Y tế và các Hội chuyên ngành trong chương trình Vì Lá Phổi Khỏe giai đoạn 2017-2020 để giúp thêm nhiều bệnh nhân trên khắp Việt Nam được tiếp cận điều trị sớm và được quản lý bệnh tốt hơn. Với thế mạnh toàn cầu của AstraZeneca trong điều trị ung thư, tôi rất vui mừng khi chương trình mở rộng thêm lĩnh vực ung thư phổi trong giai đoạn 2021-2023, và tin tưởng rằng hợp tác bền chặt hơn giữa AstraZeneca, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế và các đối tác ở giai đoạn mới 2021-2023 sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực, bền vững cho công tác chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính tại Việt Nam.”

Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh Hen và BPTNMT tại 9 quốc gia Châu Á. Từ năm 2017 đến nay, chương trình đã góp phần giải quyết các thách thức hiện tại trong quản lý bệnh hen và BPTNMT qua việc đóng góp xây dựng tiêu chí “Đơn vị quản lý hen và BPTNMT” áp dụng thí điểm trong chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, hỗ trợ thành lập mới và cải thiện 110 đơn vị quản lý bệnh hen và BPTNMT (còn gọi là UMAC) , giúp hơn 101.364 bệnh nhân được tiếp cận điều trị tốt hơn, tầm soát hơn 4.820 người có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, hỗ trợ các chương trình giáo dục về cách thức kiểm soát bệnh hen và BPTNMT [1] cho hơn 11.515 bệnh nhân thông qua các câu lạc bộ dành bệnh nhân. Bên cạnh đó, chương trình đã tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức y khoa cho 8.200 cán bộ y tế, đặc biệt hỗ trợ đào tạo và cấp bằng chứng nhận cho 96 bác sỹ và điều dưỡng.

Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hai bệnh lý gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật và kinh tế – xã hội toàn cầu. BPTNMT là nguyên nhân gây bệnh tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc BPTNMT trong dân số là 4,2%, [2]trong đó có hơn 1/3 (37,5%) người trưởng thành mắc BPTNMT được ghi nhận là có các triệu chứng nghiêm trọng. Về bệnh hen, thống kê cho thấy gần 4 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh hen (chiếm 4,1% dân số) và cũng tương tự, xấp xỉ 1/3 trong số này (29,1%) được ghi nhận có các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính năm 2018, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi mắc cả hai giới, mỗi năm có khoảng 23,667 ca mắc mới và 20,170 ca tử vong do căn bệnh này2. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho bệnh nhân. Trước tình trạng này, chương trình Vì Lá Phổi Khỏe giai đoạn 2021-2023 sẽ thúc đẩy công tác chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, cập nhật các giải pháp điều trị tiên tiến và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mắc ung thư phổi, bên cạnh hai lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn đầu là bệnh hen và BPTNMT.

###

Về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cục quản lý chuyên ngành, thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trong cả nước. Trong thời gian qua, những nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế Việt Nam cũng như của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời tăng cường triển khai các chương trình phòng, kiểm soát bệnh mạn tính không lây như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư…

Về AstraZeneca

AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu, tập trung vào việc phát minh, phát triển và thương mại hóa các loại thuốc đặc trị trong ba lĩnh vực chính – Ung thư, Tim mạch, Thận & Chuyển hóa và Hô hấp & Miễn dịch. AstraZeneca hoạt động tại hơn 100 quốc gia và các loại thuốc tiên tiến của công ty hiện được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới.

AstraZeneca tự hào đồng hành cùng sự phát triển của ngành y tế Việt Nam hơn 25 năm qua. Với đội ngũ nhân viên 470 người, công ty đang phục vụ hàng triệu bệnh nhân mỗi năm với mục tiêu luôn đặt bệnh nhân và yếu tố con người lên hàng đầu. Tôn chỉ này đã giúp AstraZeneca được vinh danh trong Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam năm 2018 và 2019.

[1] Báo cáo tiến độ chương trình Vì Lá Phổi Khỏe 2019

[2] https://hoihohapvietnam.org/detail.asp?id=432

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM