HƯỚNG DẪN CAI NGHIỆN THUỐC LÁ CHO BỆNH NHÂN HEN/ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
HƯỚNG DẪN CAI NGHIỆN THUỐC LÁ CHO BỆNH NHÂN HEN/ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH Tác hại của hút thuốc lá đối với sức ...
HƯỚNG DẪN CAI NGHIỆN THUỐC LÁ CHO BỆNH NHÂN HEN/ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
- Tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe?
- Hút thuốc gây tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư
- Gần một nửa số người chết vì ung thư liên quan tới sử dụng thuốc lá. 9 trong số 10 người mắc ung thư phổi là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư hầu – thanh quản gấp 12 lần, ung thư thực quản gấp 8-10 lần, ung thư miệng gấp 27 lần, ung thư mũi gấp 2 lần.
- Người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não, ung thư thận, bàng quang, tuyến tụy, bộ phận sinh dục, hậu môn và trực tràng cao hơn người bình thường đặc biệt là khi tiếp xúc với thuốc lá thụ động từ trong bào thai hay lúc bé.
- Hút thuốc và các bệnh hô hấp
- Hút thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT): 80%-90% người mắc BPTNMT nghiện thuốc lá.
- Hút thuốc làm cho bệnh hen nặng hơn. Tỉ lệ tử vong ở người bị hen đã và đang hút thuốc tăng gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
- Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn.
- Hút thuốc và bệnh tim mạch: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch chi dưới) gấp 2 đến 3 lần.
- Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày, tá tràng; ảnh hưởng lên chức năng sinh sản nam và nữ; ảnh hưởng lên diễn tiến bình thường của thai kỳ.
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc do người khác hút tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, loét đại tràng, …và tăng nguy cơ lên cơn hen cấp ở trẻ gấp 2 lần.
- Tác hại của thuốc lá đối với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
- Tử vong ở người bệnh hen có hút thuốc lá tăng gấp 2 lần so với tử vong ở người bệnh hen không hút hút thuốc. Người BPTNMT có tỉ lệ tử vong cao gấp 10 lần so với không hút thuốc.
- Nếu người bệnh Hen và BPTNMT tiếp tục hút thuốc, bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn do: hút thuốc sẽ gây tăng tiết đờm, giảm cử động của lông chuyển trong phế quản, hạn chế khả năng tống thải đờm dịch ra ngoài, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng nhạy cảm với các chất kích thích, phá hủy đường dẫn khí và giảm khả năng vận chuyển Oxy trong cơ thể. Mặt khác, tiếp tục hút thuốc sẽ hạn chế hiệu quả của các thuốc điều trị, đồng thời tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh khác như ung thư phổi, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành…
- Làm cách nào để cai thuốc lá?
Điều quan trọng để bỏ thuốc lá, thuốc lào là bạn phải có quyết tâm cai thuốc. Khi bạn đã quyết tâm hãy thực hiện theo các bước sau:
- Chọn ngày bỏ thuốc: ngày không có quá nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết để chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc. Ví dụ ngày thứ bảy, chủ nhật.
- Năm ngày trước bỏ thuốc
- Liệt kê các lý do đi đến quyết định bỏ thuốc.
- Tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc, yêu cầu mọi người không mời hoặc hút thuốc trước mặt.
- Bốn ngày trước bỏ thuốc
- Tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ.
- Bạn có thể nghĩ sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không mua thuốc lá.
- Dừng mua thuốc lá!
- Ba ngày trước bỏ thuốc
- Suy nghĩ một cách nghiêm túc khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc.
- Hãy suy nghĩ xem có cái gì khác thay thế điếu thuốc trong tay bạn và những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc.
- Hai ngày trước bỏ thuốc
- Xem lại: khi nào và tại sao bạn hút thuốc và tìm cách khắc phục vượt qua
- Suy nghĩ về cách vượt qua cơn thèm thuốc
- Một ngày trước bỏ thuốc
- Giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá.
- Dọn hết toàn bộ thuốc lá ở nhà và nơi làm việc.
- Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc.
- Buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay kẻ thù của mình!
- Lên dây cót một lần nữa: “Cai thuốc là chiến lược đúng, mình có thể làm được”
- Ngày bỏ thuốc
- Sáng: Nhắc lại tuyên bố với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày quan trọng của bạn – ngày bạn cai thuốc lá.
- Hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng.
- Không uống rượu, cà phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá.
- Hãy tự làm cho đầu óc vui vẻ hoặc tạo ra một điều gì đó đặc biệt
- Chúc mừng thành công của bạn!!!
- Hãy có chế độ ăn đúng và tập luyện đều đặn để tránh tăng cân quá mức.
- Hãy chia sẻ với bạn bè hoặc gọi cho phòng khám tư vấn để có thêm kinh nghiệm
- Những điều nguy hiểm cần tránh:
- Hút một điếu sẽ chẳng sao. “Nếu hút lại là thất bại dù chỉ là một hơi”.
- Các buổi tiệc thường có bia rượu, hãy cẩn thận đừng cho phép mình hút thuốc mà hãy cho phép mình được khoẻ mạnh.
- Lúc căng thẳng hãy tự nhủ: “Mọi chuyện rồi cũng phải qua đi, nếu lại hút thuốc hãy tưởng tượng rằng phải bắt đầu cai nghiện từ đầu khi mọi chuyện qua đi”.
- Một số vấn đề gặp phải khi cai thuốc lá
- Ngay lập tức
- Đa số các trường hợp, cai thuốc lá đi kèm với các khó chịu cả về mặt tinh thần và thể chất, đặc biệt ở những người nghiện nặng. Những khó chịu này gọi là hội chứng cai thuốc lá.
- Hội chứng cai thuốc thường xuất hiện 24 giờ sau cai, tăng lên đạt đỉnh điểm vào cuối tuần đầu tiên và giảm dần và biến mất sau 4-6 tuần
- Lâu dài
- Sau nhiều tuần, nhiều tháng cai thuốc, có người vẫn còn muốn hút thuốc lá. Ham muốn này chủ yếu là do lệ thuộc về mặt tâm lý.
- Tăng cân thường do chuyển hóa cơ bản giảm đi khi ngừng hút thuốclá, và cai thuốc lại gây thèm ăn và ăn nhiều hơn. Trung bình sau 1-2 năm cai thuốc lá, người cai thuốc sẽ tăng khoảng 3-5 kg. Vì vậy, ở những người BPTNMT có suy dinh dưỡng, gầy mòn hãy cai thuốc càng sớm càng tốt để đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý.
- Lợi ích khi cai thuốc lá?
Lợi ích trước mắt
- Tim mạch: nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm sau ngưng hút thuốc 30 phút.
- Hô hấp: trong một vài tuần đầu bạn sẽ khác đờm nhiều hơn đây là dấu hiệu tốt cho biết tế bào niêm mạc phế quản đã hoạt động trở lại. Ở người BPTNMT, tần suất, cường độ triệu chứng ho khạc đờm, khó thở, thở rít giảm rõ ngay trong tuần đầu sau cai thuốc.
- Tai mũi họng: giảm kích thích vùng hầu họng, bớt ngứa cổ ngay tuần đầu tiên. Bạn sẽ cảm nhận trở lại mùi vị thức ăn và bạn sẽ ăn ngon miệng hơn.
- Xét nghiệm: nồng độ CO máu giảm nhanh chóng và trở về bình thường sau 12 giờ.
Lợi ích lâu dài
- Ở người BPTNMT: Giảm số lần mắc đợt cấp, giảm nguy cơ tử vong và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
- Bệnh lý ung thư: giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, hầu họng, ung thư khoang miệng, thực quản, tụy tạng, bàng quang và đạt ở mức ngang với người không hút thuốc sau 10 năm cai thuốc.
- Bệnh lý tim mạch: nếu cai thuốc sau nhồi máu cơ tim thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát giảm 50%; nguy cơ tử vong giảm 50% vào 1 năm, mất hẳn nguy cơ tim mạch có liên quan thuốc lá sau 5 năm.
- Bệnh lý hô hấp: nguy cơ nhiễm trùng phổi giảm và tốc độ suy giảm chức năng hô hấp theo tuổi trở về dần tới mức của người không hút thuốc.
- Bệnh lý khác: giảm tác hại của thuốc lá lên hệ thống sinh sản, ngưng hút thuốc trước hoặc trong 3-4 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân.
Duy trì cuộc sống thoải mái không lệ thuộc thuốc lá.
Chúc bạn cai thuốc thành công! Chúng tôi luôn ở bên để giúp đỡ bạn.
Hãy gọi cho chúng tôi, phòng tư vấn và cai nghiện thuốc lá 0243.2373260
BS. Nguyễn Thị Phương Anh – Bệnh viện Phổi Trung ương
Tài liệu tham khảo
- Cẩm nang cai nghiện thuốc lá – Bộ Y tế, 2018
- Fact sheet about health benefits of smoking cessation. https://www.who.int/tobacco/quitting/benefits/en/
- Tài liệu hướng dẫn tư vấn cai nghiện thuốc lá – Bộ Y tế, 2003
- Smoking and Lung Cancer, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4080902/
- Study: Smoking Causes Almost Half of Deaths from 12 Cancer Types, https://www.cancer.org/…/study-smoking-causes-almost-half-of-deaths-…)
Tin khác đã đăng
- BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ COVID-19 (Bài Viết Cho Bệnh Nhân) 06/02/2023
- SỬ DỤNG QUÁ MỨC SABA CÓ NGUY HIỂM? 16/11/2020
- LÀM THẾ NÀO PHÁT HIỆN SỚM BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH? 15/11/2020
- LÀM THẾ NÀO PHÁT HIỆN SỚM HEN PHẾ QUẢN? 14/11/2020
- LÀM GÌ KHI HEN TRỞ NẶNG? 13/11/2020