Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính



PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP CHO BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH BS. ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH Giảng viên Đại học Y ...

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP

CHO BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

BS. ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH

Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nguyên Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM.

 

Phục hồi chức năng hô hấp là gì?

Phục hồi chức năng là một chuyên ngành y khoa non trẻ trong lịch sử y học, chỉ mới xuất hiện khoảng nửa thế kỷ gần đây nhằm hỗ trợ cho y khoa điều trị. Sau khi điều trị khỏi hoặc tạm ổn một căn bệnh, các bác sĩ cần giúp cho người bệnh hòa nhập trở lại với xã hội, với công việc, khắc phục những khiếm khuyết, những tổn hại mà căn bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Nói cách khác, phục hồi chức năng nằm giúp cho người bệnh có thể “sống chung với bệnh” với chất lượng cuộc sống tốt nhất có thế được.

Trong lĩnh vực hô hấp, đối với những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, phục hồi chức năng hô hấp (PHCNHH) sẽ giúp cho người bệnh trở lại với xã hội, thích nghi tốt hơn với cuộc sống, có thể thực hiện được nhiều công việc khác nhau mà không bị cảm giác khó thở, không bị hạn chế khi phải gắng sức, thoát khỏi những gánh nặng lo âu hoặc buồn rầu quá mức dẫn đến trầm cảm. PHCNHH thường được áp dụng đối với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) nhưng biện pháp này cũng được áp dụng cho những bệnh hô hấp khác như giãn phế quản, hen suyễn mạn tính, bệnh phổi nghề nghiệp, bệnh phổi mô kẻ, suy hô hấp mạn tính do di chứng bệnh lao…

Chương trình phục hồi chức năng hô hấp

Nhiều chuyên gia đầu ngành về hô hấp trên thế giới đã tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng thành một chương trình PHCNHH có thể mang lại hiệu quả rất tốt giúp cho người bệnh giảm bớt khó thở, giảm bớt sự lệ thuộc vào các thuốc giãn phế quản, tăng cường khả năng gắng sức, tăng cường chất lượng cuộc sống và có thể tham gia tốt hơn vào đời sống xã hội.

Chương trình PHCNHH bao gồm nhiều thành phần như thể dục và vận động, vật lý trị liệu hô hấp, giáo dục sức khỏe, tham vấn dinh dưỡng và hỗ trợ tâm lý… trong đó thể dục và vận động giữ vai trò mấu chốt nhất. Người bệnh tham gia chương trình sẽ được hướng dẫn các bài tập vận động tay để tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp và các bài tập vận động chân giúp cho các bắp cơ ở chân rắn chắc, giúp cho người bệnh đi lại tốt, cải thiện chức năng tim – phổi, đem lại sự năng động và tự tin. Ngoài ra người bệnh còn được giáo dục sức khỏe, tham vấn và can thiệp dinh dưỡng và hỗ trợ tâm lý tâm thần kinh.

Tập vận động rất cần thiết và là cốt lõi của chương trình PHCNHH

Phần lớn các bệnh nhân bị BPTNMT đều rất ngại vận động vì mỗi lần vận động  thường bị khó thở. Tâm lý này hoàn toàn có thể thông cảm được bởi vì cảm giác khó thở là một cảm giác rất đáng sợ, nhất là ở những người BPTNMT. Tuy nhiên, khi hạn chế vận động để tránh khó thở sẽ dẫn đến những hậu quả xấu khác đồng thời tác động ngược trở lại làm nặng thêm tình trạng khó thở và làm thành cái vòng lẩn quẩn không thể thoát ra được. Khi người bệnh hạn chế vận động lâu ngày dẫn đến các bắp thịt bị yếu đi, mềm nhão và teo nhỏ. Các bắp thịt ở tay chân bị suy yếu làm người bệnh yếu ớt, đi lại kém, làm việc gì cũng mau mệt. Các bắp thịt của cơ hô hấp bị suy yếu làm người bệnh phải cố gắng nhiều hơn khi hít thở. Cơ thể trở nên yếu ớt, mất hết sinh lực, khi thực hiện bất cứ động tác gì cũng phải gắng sức và tiêu hao nhiều năng lượng hơn, nhiều oxy hơn. Hậu quả làm cho cơ thể cần nhiều oxy hơn nữa và khó thở nhiều hơn nữa. Ngoài ra, kém vận động còn đem lại các hậu quả xấu khác như teo cơ, cứng khớp, loãng xương…Người bệnh sẽ gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện các nhu cầu cá nhân, việc gì cũng phải nhờ vả, lệ thuộc người khác làm cho người bệnh thường có cảm giác bất lực, yếu đuối. Về mặt tinh thần, người bệnh kém vận động thường dễ dẫn đến trạng thái lười biếng, buồn bã, ít giao tiếp… rồi mất dần các mối quan hệ xã hội, cuối cùng là không muốn giao tiếp, tự kỷ, trầm cảm…                                                          

Thay vì hạn chế vận động để tránh khó thở, các chuyên gia khuyên những bệnh nhân BPTNMT nên thường xuyên tập thể dục. Đây chính là biện pháp hữu hiệu để cắt đứt các vòng lẩn quẩn nêu trên. Thay vì hạn chế vận động để tránh khó thở, cô bác nên tập thể dục đều đặn vừa với sức của mình để tăng cường sức bền cơ thể. Nhờ đó các bắp thịt chắc khỏe hơn, các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn và giảm bớt nhu cầu oxy, giảm bớt cảm giác khó thở. Tập thể dục đều đặn cũng giúp cho máu lưu thông tốt và cơ thể sử dụng oxy tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống loãng xương, chống teo cơ cứng khớp…Hơn thế nữa, khi cô bác vận động tốt, cô bác sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn, ngủ ngon hơn và nếu có dư cân hoặc béo phì, vận động cũng sẽ giúp giảm lượng mỡ dư thừa và làm cho cơ thể cân đối hơn. Vận động còn đem lại cho cô bác cảm giác tự tin, tự chủ, không lệ thuộc vào người khác, đem lại tinh thần thoải mái và có được niềm vui sống.

Tập thể dục và vận động như thế nào cho an toàn trong BPTNMT?

Cơ thể của mỗi người chúng ta đều không hoàn toàn giống nhau, hơn thế nữa, mức độ và sự tiến triển bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Vì vậy, chế độ tập luyện như thế nào cho phù hợp và bảo đảm an toàn là vấn đề cần được lưu ý. Để vận động sao cho an toàn nhưng vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn, người bệnh cần nắm vững các nguyên tắc sau:

  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hô hấp trước khi bắt đầu tập vận động.
  • Nên đến tập ở những đơn vị phục hồi chức năng hô hấp ở địa phương gần nơi cư trú để được hướng dẫn và giám sát. Tự tập luyện tại nhà thường có hiệu quả kém hơn nhưng cũng được khuyến khích nếu việc đi lại quá bất tiện.
  • Cần phải kiên nhẫn tập luyện, hiệu quả của vận động thường chưa thấy được qua vài lần tập đầu mà chỉ xuất hiện sau vài tuần.
  • Chỉ nên tập vừa với sức mình, mọi sự cố gắng quá mức đều không tốt. Nếu cảm thấy mệt lúc đang tập, có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động.
  • Mỗi người bệnh đều rất khác biệt nhau ở mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe chung, các bệnh lý đi kèm…vì vậy các kỹ thuật viên sẽ cùng với người bệnh chọn lựa loại hình tập vận động, cường độ và tốc độ luyện tập sao cho phù hợp với từng người.
  • Nên đặt ra chỉ tiêu cho mỗi lần tập, lần sau cao hơn lần trước, ví dụ hôm nay đi bộ được 15 phút thì sẽ cố gắng đạt 20 phút ở những lần sau và cứ thế tăng dần. Điều này giúp tăng dần khả năng vận động và có cảm giác vui khi hoàn thành công việc. Nếu chưa hoàn thành được bài tập, đừng quá thất vọng, chán nản: chúng ta rồi sẽ thích nghi dần với việc luyện tập.

Các bài tập vận động trong chương trình PHCNHH bao gồm 2 nhóm bài tập: Các bài tập vận động tay và các bài tập vận động chân.

  • Các bài tập vận động tay giúp tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp. Các bắp thịt vai, ngực và cánh tay khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp và những động tác thường ngày như nấu nướng, quét dọn, tắm rửa, chải tóc…Các loại hình vận động tay thường dùng là nâng tạ, máy tập chi trên đa năng…
  • Các bài tập vận động chân ngoài việc giúp cho các bắp cơ ở chân rắn chắc hơn còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp cải thiện chức năng tim – phổi, giúp cho cơ thể có được sức bền cần thiết, dẻo dai và người bệnh sẽ lâu mệt hơn khi phải gắng sức. Các bài tập vận động chân còn giúp cho người bệnh đi lại tốt, đem lại sự năng động và tự tin, không lệ thuộc vào người khác. Các bài tập này sẽ được xây dựng phù hợp với khả năng và thể lực của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết. Các loại hình thường sử dụng là xe đạp lực kế, thảm lăn, đi bộ trên mặt phằng…

Các yêu cầu cần thiết khi tập vận động trong chương trình PHCNHH:

  • Thời gian tập tối thiểu khoảng 6 – 8 tuần mới đạt được hiệu quả như mong muốn, mỗi tuần ít nhất 3 buổi tập (nếu tập được hàng ngày thì càng tốt). Mỗi buổi tập kéo dài khoảng 30 phút. Có nhiều bệnh nhân chưa quen không tập nổi liên tục 30 phút có thể xen kẻ những khoảng nghỉ ngắn và tăng dần thời lượng tập ở những lần sau. Nếu chỉ tập 1 buổi mỗi tuần hoặc tập ít hơn 20 phút mỗi ngày sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
  • Sau khi tập được khoảng 6 – 8 tuần, người bệnh thường sẽ đạt được hiệu quả diều trị tức là giảm bớt khó thở, thấy người khỏe khoắn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và có thể làm tốt những việc cần gắng sức. Nếu sau đó vẫn tiếp tục tập luyện thì hiệu quả này sẽ được duy trì. Thời gian tập càng lâu, hiệu quả đạt được càng kéo dài. Nếu ngưng tập, hiệu quả này sẽ giảm dần và mất đi sau đó.
  • Nên cố gắng tập vận động ở cường độ cao nhưng chỉ trong chừng mực mà cơ thể có thể chịu đựng được, đừng gắng sức quá mức. Có nhiều bệnh nhân dễ bị mệt khi gắng sức nên dùng thuốc giãn phế quản trước khi tập. Cũng có thể kết hợp với thở oxy lúc đang tập để giúp cho việc tập luyện dễ dàng hơn.

Kết luận

Thể dục và vận động là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ vốn đã được biết đến tự ngàn xưa. Trong chương trình PHCNHH dành cho các bệnh hô hấp mạn tính, thể dục và vận động vẫn giữ nguyên giá trị nhờ đem lại hiệu quả cao khi kết hợp với các loại thuốc điều trị, giúp cho người bệnh có thể kiểm soát bệnh tật tốt hơn, dễ thích nghi với căn bệnh hơn và luôn có được niềm vui sống.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Global Strategy for the Diagnosis, Management, and Prevention of Chronic Obstructive Pulmonary Disease: Updated 2018. http://www.goldcopd.org

2.     American Thoracic Society, European Respiratory Society ATS/ERS statement: Key concepts and Advances in Pulmonary Rehabilittion – Am J Respir Crit Care Med 2013 Vol188, Iss 8, pp e13 – e64.

3.     American College of Chest Physicians, American Association of Cardiovascular and Pulmonary Rehabilitation. Pulmonary rehabilitation: Joint ACCP/AACVPR evidence-based practice guidelines; Chest 2007;131;4S-42S

 

 

Tin khác đã đăng

Hội Phổi Việt Nam
CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH
healthy lung vietnam
AstraZeneca
Hội Hô hấp Việt Nam
Hội Hen - Dị Ứng - Miễn Dịch Lâm Sàng TP.HCM